Giá trị “bát cơm đầy”!

Thứ Năm, 15/01/2015, 09:59
Cái ăn không còn đáng lo, Việt Nam đã trở thành địa chỉ xuất khẩu gạo top đầu thế giới và cơ bản đã hoàn thành những Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động. Nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta được phép lãng quên quá khứ đói kém.

Dự lễ phát động và Hội thảo khởi động xây dựng Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ngày 14/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc tham gia sáng kiến này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên Hợp Quốc mà còn là để đáp ứng các yêu cầu thực tế của Việt Nam, giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng xa, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số…

Sự kiện này diễn ra khi đất nước sắp đón xuân Ất Mùi và cũng là thời điểm tròn 70 năm sau thảm họa nạn đói năm Ất Dậu. Nạn đói làm chết 2 triệu người Việt Nam (tương đương 10% dân số) được sử sách ghi lại: Khi không còn gì ăn thì họ ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, giày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật, thậm chí ăn cả xác người mới chết. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót…

Sau 70 năm, trải qua những biến động lịch sử, thảm họa “giặc đói” năm xưa hầu như không còn dấu tích và chỉ lưu lại trong ký ức người già. Ngay cả những gian khó thời tem phiếu bao cấp, cơm độn sắn khoai cũng chỉ là “góc kỷ niệm”… Công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập với đường lối sáng suốt của Đảng đã tạo dựng nền móng vững chắc khi Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước đói nghèo, kém phát triển để gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Cái ăn không còn đáng lo, Việt Nam đã trở thành địa chỉ xuất khẩu gạo top đầu thế giới (năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành những Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động).

Nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta được phép lãng quên quá khứ đói kém.

Thứ nhất, nhìn lại thảm họa nạn đói trong lịch sử cũng như những gian khó thời chiến tranh để biết quý trọng đồng tiền bát gạo, biết sẻ chia những gian nan thử thách mà các lớp cha anh đã trải qua, cao hơn và thiêng liêng hơn là từ đó thấy được giá trị to lớn của nền độc lập dân tộc. Nạn đói năm 1945 trước hết đó là hậu quả của chính sách khai thác thuộc địa và phong kiến hà khắc, giai đoạn nhân dân chịu “một cổ ba tròng”. Độc lập, tự do – điều kiện tiên quyết để đảm bảo cuộc sống cơm áo, hạnh phúc. Sự lãnh đạo của Đảng 70 năm qua không gì khác ngoài việc giành và giữ vững độc lập, chủ quyền và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Thứ hai, dù đất nước đã vượt qua ngưỡng đói kém, lạc hậu nhưng trên bình diện thế giới, Việt Nam vẫn là nước nghèo. Nền sản xuất vẫn mang đặc thù kinh tế nông nghiệp với phần lớn lao động gắn với trồng trọt, chăn nuôi. “Hạt gạo một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”, người Việt Nam bao đời lam lũ, chịu khó để làm nên hạt gạo và điều đó đã tạo nên nền tảng văn hóa lúa nước, điểm tựa vững chắc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. 

Lớp trẻ hôm nay sống trong sự đủ đầy, nếu kể giai đoạn gian khó ngày trước khiến nhiều người khó tưởng tượng ra. Nhưng dòng chảy lịch sử minh chứng rằng, chúng ta chỉ có thể có ấm no, hạnh phúc khi biết trân trọng quá khứ công lao cha ông và biết lao động làm ra của cải, biết gìn giữ, bảo vệ đất nước, quê hương mình. Lịch sử đất nước từng đi qua những thăng trầm no đói như vậy. Cần biết rằng, từ thời hậu Lê, nhờ việc đẩy mạnh chính sách đồn điền và khai hoang, khoan thư sức dân nên nhân dân rất no đủ:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Lúa tốt đầy đồng trâu chẳng buồn ăn

Thế nhưng, trải qua các biến cố lịch sử, chiến tranh, loạn lạc rồi thiên tai, sự no ấm đó không vững bền khi các thảm họa đói kém lại xảy ra.

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Bưng bát cơm đầy hôm nay nhưng nhìn rộng sâu, điều ấy thật chưa trọn vẹn. Vẫn còn đó những vùng quê nghèo khó, người dân tần tảo chắt chiu mới đủ ăn, còn đỏ những đứa trẻ sớm đến trường bụng dạ chỉ có lát khoai. Chính sách an sinh xã hội – bản chất tốt đẹp của Nhà nước, nhân dân ta đã giúp bao ngôi nhà trở nên ấm áp, bao nồi cơm được đầy hơn, no đủ hơn. Bưng bát cơm đầy nhưng nhìn ra thế giới, thảm họa đói kém, chết chóc vẫn la liệt đâu đó. Khói lửa, chiến tranh, thiên tai. Không thể ngờ một thành phố - điểm hẹn du lịch như Tacloban (Philippines) đã trở về thời đồ đá chỉ sau trận cuồng phong dữ dội. Việt Nam may mắn hơn với điều kiện thiên nhiên mưa thuận gió hòa nhưng hiểm họa từ lũ quét, hạn hán, bão lụt vẫn hiển hiện, nghĩa là cái đói vẫn lơ lửng. Nhưng quan trọng nhất, khi bưng bát cơm đầy nhớ về lịch sử, nhớ về cha ông, nhớ về nguồn cội, mỗi người chúng ta biết quý trọng để gắng sức gìn giữ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, góp sức bảo vệ chế độ, cùng nhau đoàn kết lao động thì sự bát cơm đầy ấy mới vững bền…

Đăng Trường
.
.
.