Giá điện chính thức tăng 8,36% từ ngày 20-3

Thứ Tư, 20/03/2019, 19:10

Chiều muộn ngày 20-3, Bộ Công Thương chính thức công bố việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện năm 2019. Theo đó, mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh ( chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 8,36% so với mức bán lẻ điện bình quân hiện hành ( 1.702,65 đồng/kWh).



Trả lời báo chí việc tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: mức bán lẻ điện này nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25-7-2017 và theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017, mức tăng này do Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh; cơ cấu phụ tải điện năm 2018, dự báo năm 2019; giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Do cơ cấu tiêu thụ điện có thay đổi, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh trong phạm vi +/- 2% so với tỷ lệ được quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, căn cứ quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, EVN có các Văn bản trình phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2019.

Bộ Công Thương chính thức công bố việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện năm 2019

Căn cứ đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, bao gồm các thông số của tất cả các khâu và phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo, v.v. Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng giá điện ở mức 8,36%.

Liên quan đến các yếu tố đầu vào, ông Tuấn cho biết, từ ngày 5-1-2019, than cho sản điện tăng làm phát sinh chi phí khoảng 3.000 tỷ đồng và bước 2 cũng sẽ tăng đồng thời với giá điện lần này và dự kiến chi phí khoảng 2.900 tỷ đồng. Đối với khí, từ ngày 20-3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện đều thực hiện theo thị trường, ước làm chi phí điện tăng thêm 5.800 tỷ đồng, chưa kể mức trượt tỷ giá 1,36%. Với các yếu tố trên, Cục tính toán các kịch bản tăng giá và chênh lệch tỷ giá còn treo trước đây

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin thêm, chênh lệch tỷ giá gồm khoản do EVN vay vốn nước ngoài và chênh lệch tỷ giá của các nhà máy điện độc lập ngoài EVN.

 Năm 2018, đầu năm EVN rất khó khăn, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hành tiết kiệm. Dù năm 2018 không tăng giá điện nhưng EVN vẫn có lãi.

 “Chúng ta đã có giá bậc thang để hỗ trợ người thu nhập thấp và việc chia bậc thang là chính sách để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện. Sản phẩm điện là sản phẩm duy nhất kêu gọi mọi người tiết kiệm điện chứ không có khuyến mại. Hiện, EVN đang chỉ đạo các đơn vị tiếp cận các DN, hộ tiêu thụ lớn vận động các hộ tiết kiệm điện, vận hành hệ thống an toàn. Bây giờ EVN phải mua điện để bán lại do vậy phải công khai minh bạch,” ông Đinh Quang Tri cho hay.

Cũng theo ông Tri, than trong nước không đủ cung cấp nên EVN phải nhập khẩu than phục vụ sản xuất điện. Phần vênh giữa giá than trong nước và nhập khẩu là hơn 2.000 tỷ đồng. 

“Trong đợt tăng giá này, theo tính toán bù cho tăng giá than khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, còn với giá khí, dự kiến mỗi năm khoảng 6.000 tỷ đồng.” ông Tri nói.

Theo tính toán, khách hàng sử dụng đến 50 kWh mỗi tháng phải trả thêm 7.000 đồng và 14.000 đồng đối với khách hàng sử dụng đến 100 kWh, còn 200 kWh là 31.600 đồng; đến 300 kWh là 53.100 đồng và trên 400 kWh phải trả thêm 77.200 đồng. “Tuy nhiên, có một đặc điểm là khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%”, ông Tuấn thông tin.

Theo tính toán, khách hàng sử dụng đến 50 kWh mỗi tháng phải trả thêm 7.000 đồng và 14.000 đồng đối với khách hàng sử dụng đến 100 kWh, còn 200 kWh là 31.600 đồng; đến 300 kWh là 53.100 đồng và trên 400 kWh phải trả thêm 77.200 đồng.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, với các hộ dùng điện nhiều dùng cho kinh doanh, EVN thống kê cả nước đang có 443.00 khách hàng. Theo đó, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng. Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869 nghìn đồng/khách hàng sản xuất.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất ( PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể: với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3-2019, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 -3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.





Lưu Hiệp
.
.
.