Đồng chí Trần Bạch Đằng – Người Cộng Sản kiên trung

Thứ Năm, 14/07/2016, 16:53
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng (15/7/1926 – 15/7/2016), ngày 14-7, tại TP Hồ Chí minh,Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người cộng sản kiên trung”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội. Tham dự hội nghị còn có đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo thành phố, các ban ngành đoàn thể trung ương và địa phương, các lão thành cách mạng, nhà nghiên cứu trên cả nước.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng – Người Cộng Sản kiên trung”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị nhắc nhớ: Mới đó mà đã hơn chín năm đồng chí Trần Bạch Đằng đi xa. Sinh thời khi đang giữ những chức vụ cao hay khi không giữ chức vụ, ông luôn là một người bình dị, cởi mở, chân thành. Chẳng có phút giây hay cử chỉ nào của ông làm cho ta cảm thấy ngại ngần khi có dịp gần ông. Cùng với tấm gương sống và cống hiến hết mình, ông luôn được mọi người yêu quý. 

Ông là Anh Tư Ánh, là đồng chí Trần Bạch Đằng, nhà thơ Hưởng Triều, nhà văn Nguyễn Hiểu Trường, nhà viết kịch Nguyễn Trương Thiên Lý, nhà nghiên cứu, phê bình Trần Quang - người xứng đáng được nhận những tình cảm yêu mến và kính trọng của tất cả chúng ta. Thật khó kể hết, dù chỉ là làm phép tính cộng hoặc liệt kê những cống hiến ông đã đóng góp, những vùng đất ông đã đặt chân, những công trình, tác phẩm, bài viết ông đã công bố…

Đồng chí Lê Thanh Hải cũng khẳng định: Đồng chí Trần Bạch Đằng là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà sử học đầy uy tín. Nhưng trên hết, đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động chính trị bản lĩnh và trí tuệ. Cuộc đời vô cùng phong phú và oanh liệt của đồng chí gắn liền với cách mạng miền Nam. Đồng chí luôn đứng ở những nơi đầu sóng ngọn gió của cách mạng, hứng chịu hòn tên mũi đạn từ phía quân thù và trên mặt trận tư tưởng hết sức cam go, quyết liệt, sôi động. 

Vào những thời khắc quyết định của sự nghiệp cách mạng tại thành phố này, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sau Mậu Thân và những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới, đồng chí đã trải nghiệm cùng những gian nan, hết sức hào hùng của Đảng bộ và nhân dân thành phố…

Thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ nhưng những người như đồng chí Trần Bạch Đằng chắc chắn để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, trong lịch sử cách mạng của nhân dân. Đó là một nhà lãnh đạo tài năng, tài hoa của Nam Bộ thành đồng, một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng văn hóa, một nhà báo mạnh mẽ, thẳng thắn, một nhà văn, một nhà thơ đầy tình cảm. Và trên hết, đó là một chiến sĩ cộng sản, một nhà chính trị kiên cường, bản lĩnh kiên trung một lòng, một dạ sắt son theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Khẳng định đồng chí Trần Bạch Đằng là nhà cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, toàn diện, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Trần Bạch Đằng, chúng ta có dịp được ôn lại quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy ắp tình yêu nước nồng nàn của đồng chí để làm tấm gương cho bản thân.

Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Thành Ủy, lãnh đạo TP HCM tại hội thảo

Đọc lại những tác phẩm, bài viết vẫn còn mang tính thời sự của đồng chí, mỗi chúng ta sẽ thấu hiểu thêm về nỗi trăn trở lớn, luôn đau đáu của thế hệ cách mạng đi trước về vận nước, về vai trò của Đảng, về vai trò và sự phát triển của thành phố thân yêu của chúng ta. Từ đó, mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là từng đồng chí trong Thành ủy, chính quyền, trong toàn bộ hệ thống chính trị thành phố có dịp soát xét lại mình, đồng thời giúp chúng ta củng cố quyết tâm chính trị, phát huy và kế thừa truyền thống, khắc phục hạn chế, khó khăn, vượt qua thách thức, xắn tay hành động trước bộn bề các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.”

Được biết, ban tổ chức hội thảo đã nhận được 87 tham luận của các đại biểu. Khẳng định tầm vóc của đồng chí Trần Bạch Đằng - một nhà cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, toàn diện, các tham luận đều cho thấy cuộc đời cách mạng sôi nổi của đồng chí đã ghi những dấu ấn đậm nét đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Trải qua phong ba bão táp của hai cuộc kháng chiến, đương đầu với hiểm nguy, vượt qua khó khăn gian khổ, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, khẳng khái đề xuất những giải pháp hay, biện pháp có hiệu quả góp phần vào thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng và cách mạng cả nước nói chung. Với trí tuệ tinh thông, tư duy nhạy bén, sắc sảo, bản tính cần mẫn nghiêm túc trong công việc, thoáng đạt trong ứng xử, luôn tự học trong cuộc sống, trong chiến đấu, đồng chí Trần Bạch Đằng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Hoa Nguyễn
.
.
.