65 năm Công an nhân dân học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”:

“Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” - lời Bác dạy đậm nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình

Thứ Năm, 16/05/2013, 09:29
Lời dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng CAND hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng sâu xa.

Lúc sinh thời, là người tổ chức, giáo dục, rèn luyện đội ngũ CBCS Công an ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ bảo sâu sắc, ân tình. Trong lời dạy về "Tư cách người Công an cách mệnh" cách đây 65 năm, Người nhắc nhở: "Cần thường xuyên làm cho anh, chị em Công an nhận rõ Công an của ta là CAND, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc".

Để xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm vẻ vang ấy, người cán bộ Công an phải rèn luyện về tư cách, đạo đức theo 6 điều dạy của Người; đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo xây dựng đội ngũ CAND trong sạch, vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND, do sống, chiến đấu và công tác gắn bó với nhau hằng ngày, cùng vào sinh ra tử, khó khăn gian khổ đều có nhau... nên rất dễ nể nang, bỏ qua, vì sợ mất lòng nhau khi đóng góp ý kiến xây dựng trong kiểm điểm công tác cũng như ứng xử trước khuyết điểm, sai phạm của đồng đội.

Nếu đấu tranh tư tưởng không tốt, không đặt đạo đức cách mạng, lợi ích đại cục lên trên thì sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động không đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích là: “Nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình”().

Nhằm tránh những sai lầm đó và nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình; với lực lượng CAND, trong điều dạy về tư cách người Công an cách mạng, Người nêu rõ:  “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”. Đây là điều dạy mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình.

Người nêu quan điểm phê bình là để cho cán bộ, đảng viên, tổ chức được tốt hơn; do đó, thái độ phê bình phải thân tình, yêu thương, khích lệ tâm đức người có lỗi lầm, không làm cho người có sai phạm bi quan, chán nản, bất mãn, uất ức. Tự phê bình và phê bình chính là giúp đỡ đồng chí, đồng đội, khơi dậy nhiệt tình trong mỗi con người, làm cho cán bộ, đảng viên phấn khởi tin tưởng, phát huy ưu điểm, hăng hái tự vượt qua trở ngại của chính mình để tiến lên.

I. Lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh xác định quan điểm tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của chính đảng vô sản, là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa sai lầm và phát huy ưu điểm.

Vì thế, “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến cùng đoàn kết. Đoàn kết phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”().

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc cán bộ, đảng viên “khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”. “Khéo” có nghĩa là phê bình mình cũng như phê bình người phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”, không nể nang, không thêm bớt. Phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc.

Phê bình việc chứ không phải phê bình người. “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. "Cho nên, đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng, ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thu lời phê bình của người khác"().

Đây là một thái độ nghiêm túc, một cách nhìn nhận vừa thể hiện tinh thần đấu tranh triệt để nhưng cũng rất giàu lòng nhân ái vì con người, trân trọng nhân cách con người, trân trọng đồng chí, đồng sự.

Do đó, tự phê bình và phê bình còn “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “theo tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh”(). Phải nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm một cách rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, không tô hồng hoặc bôi đen…

II. Lời dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ” trong 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách, đạo đức người Công an cách mạng là sự đúc kết, kế thừa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, là một nội dung có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình.

Lời dạy của Người “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ” hàm chứa những nội dung tư tưởng thân ái, biết cách giúp đỡ đồng đội thông qua tự phê bình và phê bình để cùng nhau khắc phục khuyết điểm, trở thành một phương châm hoạt động mang tính cách mạng và khoa học.

“Đồng sự” là đồng đội, đồng chí cùng công tác trong một đơn vị, rộng hơn, đó chính là toàn thể CBCS Công an cùng chiến đấu cho sự nghiệp bảo vệ ANCT và giữ gìn TTATXH. “Đối với đồng sự” - Bác muốn nói đến mối quan hệ của mỗi thành viên trong một tổ chức, nhân tố tạo nên sức mạnh của tổ chức. Bởi vì, tổ chức và cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tổ chức mạnh sẽ tạo điều kiện cho từng cá nhân phấn đấu tốt và ngược lại, từng cá nhân phấn đấu tốt là điều kiện để xây dựng tổ chức đoàn kết, vững mạnh. Tổ chức là nơi tạo sự liên kết, sự hợp đồng giữa những cá nhân, do vậy yêu cầu phải có những cá nhân tốt thì tổ chức mới mạnh.

Do đó, vì lợi ích chung, vì mục tiêu chung của tập thể mà các cá nhân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình để gắn bó, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau chính là nhằm xây dựng tổ chức, đơn vị vững mạnh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng, đồng thời qua đó mà nâng cao sức mạnh của từng người.

Lời dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng CAND hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng sâu xa. Phương châm xử thế thấm đậm truyền thống nhân văn và tính khoa học, cách mạng đó, 65 năm qua, đã được các thế hệ CBCS Công an ghi lòng tạc dạ, trở thành một nét đẹp trong truyền thống đạo đức của lực lượng CAND, lực lượng được Đảng và Bác Hồ giao cho trọng trách là “Thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng”.

Tuy nhiên, trong thời kỳ cách mạng mới, khi tuyệt đại đa số CBCS Công an một lòng một dạ trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, nêu tấm gương sáng về tình đồng chí, đồng đội, thì ở nơi này, nơi khác, có một bộ phận CBCS đã có biểu hiện xa rời lý tưởng và đồng đội, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Chính vì vậy, việc quán triệt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần điều dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ” của Người lúc này có ý nghĩa rất thiết thực.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra Nghị quyết số 12 - NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết nêu rõ: “Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả”.

Nghị quyết cũng xác định rõ: “mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm theo cương vị công tác”.

Đó là yêu cầu cấp thiết chung của toàn Đảng cũng như đối với lực lượng CAND để tăng cường đoàn kết nội bộ, đề cao kỷ luật, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn ngừa biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, là một trong những nội dung công tác chính trị quan trọng nhất nhằm xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ANQG, TTATXH thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay

N.T.K.D.
.
.
.