Đối ngoại Việt Nam góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực

Thứ Năm, 27/10/2011, 15:13
Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với rất nhiều nước, nhiều đối tác ở khu vực và trên thế giới.

Nổi bật nhất trong thời gian qua là các chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Lào và Trung Quốc; các chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Philippines; các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Lào, Indonesia, Hà Lan, Uzbekistan và Ukraina; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Campuchia, tham dự Hội nghị AIPA lần thứ 32...

Những hoạt động đối ngoại trên đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, không chỉ góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các đối tác mà còn góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Báo chí, dư luận quốc tế và khu vực đặc biệt quan tâm, thông tin, bình luận, đánh giá tích cực về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Dư luận chung đều cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt: Việt Nam và Trung Quốc đang có những nỗ lực mới nhằm giải quyết các tranh chấp, cùng các nước trong khu vực từng bước hướng tới một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, cụ thể là việc hai nước đạt được thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

Đây là một bước tiến quan trọng, hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Không những thế, hai bên còn nhất trí thiết lập một đường dây nóng nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh về biển đảo...

Về chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua, cần phải đặt chuyến thăm trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước và không nên gắn với bất kỳ mối quan hệ với bên thứ ba nào. Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam là một hoạt động đối ngoại thông thường, được lên chương trình từ trước, là một nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Ấy vậy mà, khi đề cập chuyến thăm này, một vài tờ báo trong khu vực đã tung ra những bình luận thiếu tính xây dựng, suy diễn chủ quan ác ý, rằng "Việt Nam đang chơi con bài hai mặt", "tung hỏa mù ở biển Đông" rằng "Việt Nam miệng thì hồ hào cần giải quyết hòa bình, nhưng thực tế lại lôi kéo Ấn Độ và các nước khác". Có tờ báo thậm chí quy kết "Việt Nam bắt cá hai tay khi cùng lúc vừa ký kết thỏa thuận trên biển với Trung Quốc, lại vừa ký với Ấn Độ thỏa thuận về hợp tác dầu khí". Thậm chí có báo còn xuyên tạc cả thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, nói Việt Nam và Ấn Độ cố ý ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí tại vùng biển đang tranh chấp(?).

Việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực dầu khí rõ ràng dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế bởi các dự án hợp tác giữa Việt Nam với Công ty ONGC của Ấn Độ nằm hoàn toàn trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Không thể nói rằng Việt Nam và Ấn Độ cố ý ký kết thỏa thuận tại các vùng biển đang có tranh chấp.

Chả lẽ việc một quốc gia có chủ quyền triển khai chính sách đối ngoại của mình nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới lại là việc làm "không bình thường", là "lôi kéo bên này chống bên kia".

Mong rằng một vài tờ báo có cách nhìn và cách thông tin, bình luận như vừa nêu bình tĩnh nhìn nhận sự việc, tôn trọng sự thật thực hiện đúng thiên chức cao quý của báo chí

Thùy Dương
.
.
.