Đổi mới tư duy cán bộ ngay từ hình thức bầu cử tại Đại hội XI

Thứ Sáu, 14/01/2011, 08:06
Để đổi mới tư duy cán bộ một cách toàn diện và thực chất, cần có những quyết định mang tính cách tân và đột phá, kể cả trong việc bầu cử lãnh đạo ở cấp cao nhất. Trí tuệ tập thể khi đã được thống nhất vào những mục tiêu chung sẽ luôn là sức mạnh to lớn nhất để Đảng tự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Hơn nữa, quy luật phổ quát ở mọi thời đại đều cho thấy, "dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện"…

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng, từ nhiều tháng nay, "trong quá trình chuẩn bị Đại hội, các dự thảo văn kiện Đại hội đã được thảo luận, góp ý tại đại hội Đảng bộ các cấp, được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước, mong muốn Đảng ta ngày càng vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển". Và Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện trình Đại hội. Chính vì thế nên những quyết sách sẽ được đưa ra trong Đại hội này sẽ thực sự "là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân".

Một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý cao độ của các cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước là công tác xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng xứng đáng "là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc".

Đại biểu Khối các cơ quan Trung ương dự Đại hội. (Ảnh: TTXVN).

Trong quá trình này, rất quan trọng là việc, như đã được chỉ rõ trong Báo cáo đã được đồng chí Tổng Bí thư trình bày tại phiên khai mạc: "Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đảng viên. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; tổng kết việc sáp nhập một số ban, bộ, ngành để có chủ trương phù hợp. Kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là ở cấp chiến lược; đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, trước hết ở các tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém. Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các cấp uỷ, tổ chức Đảng. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao…".

Cũng trong Báo cáo đã xác định rõ: cần phải "tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ; thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trọng dụng người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được quy định, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng những vấn đề chính trị hiện nay".

Mong mỏi của đông đảo các cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước là làm sao để những ý tưởng sáng suốt trên được thể hiện ngay trong những ngày làm việc của Đại hội XI. Để đổi mới tư duy cán bộ một cách toàn diện và thực chất, cần có những quyết định mang tính cách tân và đột phá trên cơ sở những chủ trương đã được xác định trong quá trình chuẩn bị Đại hội, kể cả trong việc bầu cử lãnh đạo ở cấp cao nhất. Ai cũng biết rằng, trí tuệ tập thể khi đã được thống nhất vào những mục tiêu chung sẽ luôn luôn là sức mạnh to lớn nhất để Đảng tự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Hơn nữa, quy luật phổ quát ở mọi thời đại đều cho thấy, "dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện", như đồng chí Trần Lưu Hải, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng từng nhấn mạnh trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây.

Vì vậy, đông đảo các cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước mong mỏi là làm sao để tất cả 1.377 đại biểu đại diện cho 3,6 triệu đảng viên đang sinh hoạt ở 54 nghìn tổ chức Đảng, ngay tại Đại hội XI đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình bầu Tổng Bí thư.

Nếu có được sự đột phá này, chắc hẳn nhiệm vụ đổi mới công tác cán bộ của Đảng ta trong thời gian tới sẽ có thể đạt được những mục tiêu trong việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhằm "phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội", như đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã kết luận trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng

N.T.B.
.
.
.