Đội lốt tu hành chống đối chính quyền

Thứ Năm, 08/11/2007, 15:56
Một người “tu hành” như Huỳnh Văn Ba lại xui đồng bọn vào cướp ngục cho mình: “...Cặp theo mương nước là chỗ tụi công an nó ít để ý. Mấy anh cứ theo đó mà vô, gặp thằng nào bắn chết thằng đó. Nó đầu hàng cũng bắn vì mình đâu có mang nó đi theo được...”.

Sinh ngày 29/8/1955 tại xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Huỳnh Văn Ba là con thứ hai trong một gia đình có 7 anh chị em. Khi được bảy tuổi, cha mẹ ông ta đưa cả nhà sang ấp Long Bình, xã Phú Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh) để kiếm sống rồi mấy năm sau, họ lại dắt díu nhau quay về Bạc Liêu.

Năm 1970, Huỳnh Văn Ba xin vào chùa Long Phước, Bạc Liêu để tu hành và năm 1972, ông ta thọ giới Sa di, pháp danh Thích Thiện Minh rồi được đưa về trụ trì tại chùa Vĩnh Bình, thuộc ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Tại đây, ông ta học thêm nghề thuốc nam, châm cứu, đồng thời theo học khoa Báo chí của Trung tâm giáo dục Vì Sao ở Sài Gòn - theo cách học gửi bài vở qua đường bưu điện. Có lẽ vì thế nên những người đã từng tiếp xúc với Huỳnh Văn Ba đều cùng chung nhận định, rằng ông ta hay huênh hoang về sự học của mình.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thay vì dốc lòng lo việc nhà Phật, đem khả năng xem mạch, bốc thuốc của mình để phục vụ nhân dân, thì Huỳnh Văn Ba lại nung nấu trong lòng sự căm thù chính quyền cách mạng mặc dù việc tu hành của ông ta không hề bị ai gây khó dễ.

Lợi dụng chức vụ trụ trì, ông ta sáng tác những bài thơ, bài vè nội dung phản động, rồi ngấm ngầm truyền bá cho thiện nam, tín nữ, hoặc lồng vào những bài thuyết pháp, những tư tưởng chống đối, mà cụ thể là một bài thơ được Huỳnh Văn Ba phổ biến trong dịp đại lễ Phật Đản 1976, có những câu sặc mùi chống chính quyền.

Những bài thơ, bài vè, những bài thuyết giáo ấy, đã gặp phải sự phản ứng của đông đảo phật tử sinh hoạt tại ngôi chùa mà ông ta trụ trì, bởi lẽ nó phản ánh sai sự thật về những quan tâm của chính quyền tỉnh Bạc Liêu tới sự nghiệp giáo dục ở địa phương sau ngày giải phóng và cuộc sống của thanh niên.

Là bậc tu hành, nhưng Huỳnh Văn Ba lại không biết ngượng khi đặt bút viết: “Bao nam nữ lỡ duyên lỡ nợ”... Bà Nguyễn Thị Bé Năm, nhà ở gần chùa Vĩnh Bình sau khi nghe "bài thơ", đã nói: “Lỡ là tụi nó hổng chịu lấy nhau, chứ có nhà nước nào bắt tụi nó lỡ...”.

Những người dân ở gần chùa Vĩnh Bình cho biết thêm: “Hễ ai nghe ổng đọc "thơ", đọc vè mà tán đồng thì nếu chẳng may nhà có  tang ma, hú một tiếng là ổng tới tụng niệm liền. Còn ai phản đối thì đi mời thầy khác”.

Đầu năm 1977, sự chống đối chính quyền cách mạng của Huỳnh Văn Ba càng công khai, nhất là khi ông Ngô Tam Đạo, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu gửi thư mời Huỳnh Văn Ba cùng các vị tu hành của các tôn giáo, tham dự buổi lễ phát động phong trào làm thủy lợi, đưa nước ngọt về ruộng đồng thì  Huỳnh Văn Ba một mặt từ chối, mặt khác công khai vận động phật tử không tham dự.

Bên cạnh đó, lúc Thượng tọa Thích Hiền Giác và Thích Huệ Đà tổ chức một buổi họp để bầu Ban đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, thì ngay trong buổi họp, Huỳnh Văn Ba đứng dậy, cướp diễn đàn, tuyên bố: “Bất cứ cá nhân nào tham chính (ý nói tham gia Ban đại diện Phật giáo tỉnh), thì coi như tự ý ly khai...”.

Những hành vi của Huỳnh Văn Ba nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các nhóm phản động nổi lên sau ngày giải phóng. Cuối năm 1977, tổ chức phản động “Mặt trận dân quân phục quốc” cử Trịnh Thanh Sơn, từ rừng U Minh về Bạc Liêu, móc nối với Huỳnh Văn Ba.

Nguyên là sau ngày tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng, một số sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn cũ ở Bạc Liêu trốn tránh trình diện chính quyền cách mạng, lôi kéo nhau chui lủi vào những khu rừng tràm, rừng đước ở vùng U Minh, lập ra nhóm phản động mang tên “Mặt trận dân quân phục quốc” với mưu đồ vũ trang bạo loạn.

Do không được ai ủng hộ, nên tổ chức này chỉ còn biết dựa vào những người thân thuộc trong gia đình,  lén lút tiếp tế khi thì vài ký gạo, lúc mấy hũ mắm.

Một bữa, Hồ Thị Huệ, là vợ của Trịnh Thanh Sơn, khi đi tiếp tế đã kể cho Sơn nghe về những bài thơ, bài vè, và về thái độ chống đối chính quyền cách mạng của Huỳnh Văn Ba.

Lập tức, nhóm phản động cử Trịnh Thanh Sơn, giả làm người bệnh xin thuốc nam, đến chùa Vĩnh Bình, tìm cách liên lạc, móc nối Huỳnh Văn Ba gia nhập tổ chức, và ông ta nhanh chóng nhận lời.

Trong lần gặp gỡ này, Huỳnh Văn Ba đã đề nghị Trịnh Thanh Sơn về báo cáo với cấp trên, rằng nên đổi tên “mặt trận dân quân phục quốc” thành “mặt trận nghĩa quân cứu quốc Việt Nam dân quốc”.

Ba giải thích: “Phong trào nên noi gương Bình Định vương Lê Lợi để chiêu mộ nghĩa quân kháng chiến và sau này, khi thành công, ta đổi tên nước là Việt Nam dân quốc”.

Lời đề nghị của Huỳnh Văn Ba nhanh chóng được nhóm phản động tán thành, và họ phong cho ông ta là “cố vấn chính trị”. Những ngày sau đó, Huỳnh Văn Ba gửi vào “chiến khu” máy đánh chữ, giấy, bút, vải may cờ, áo mưa, gạo, thuốc sốt rét, bản đồ tỉnh Bạc Liêu, bản đồ Quân khu 4 (do chế độ cũ ấn hành).

Bên cạnh đó, ông ta còn trực tiếp in rônêo truyền đơn cương lĩnh của “mặt trận”, in “tuyên cáo”, rồi dùng một cây nhang đốt cháy, buộc vào bó truyền đơn, treo lên quả bong bóng bay loại lớn. Khi nhang cháy làm đứt sợi dây buộc, truyền đơn rơi xuống nên khó mà bắt được thủ phạm.

Thông qua mối liên hệ thân thuộc giữa những tên phản động nằm trong rừng với những người ở một số tỉnh, thành, Huỳnh Văn Ba sai đệ tử tìm cách bắt liên lạc. Bằng hình thức tụng kinh, cúng giỗ tại nhà, ông ta mời những người này đến, để tham dự các buổi họp nhằm kiếm thêm tài lực, phát triển mạng lưới.

Tuy nhiên, tất cả những hành vi của Huỳnh Văn Ba đã không qua được tai mắt nhân dân. Chính những phật tử khi nhận ra Huỳnh Văn Ba mượn áo tu hành để chống đối chính quyền, đã tố giác ông ta.

1h30’ ngày 28/3/1979, Huỳnh Văn Ba cùng một số đồng phạm hoạt động lén lút trong thị xã Bạc Liêu như Hồ Văn Minh, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Kiểm, Trần Văn Giải..., bị bắt với tang vật là một số mặt nạ chống hơi độc, bản đồ tỉnh Minh Hải, thuốc men, truyền đơn, cờ “mặt trận” cùng tập thơ “vịnh đạo đời” gồm rất nhiều bài do chính Huỳnh Văn Ba “sáng tác” mà nội dung đã trích dẫn ở trên.

Bị tạm giam tại Trại giam huyện Vĩnh Lợi, trước những chứng cứ cụ thể và trước những lời động viên chân thành của một số tu sĩ - cũng như gia đình, Huỳnh Văn Ba vẫn không nhìn ra những sai trái của mình.

Vì thế, lúc quen biết với Tiết Sa Rết, một phạm nhân nguyên là lính biệt kích trong quân đội Sài Gòn cũ được Ban giám thị trại giam cho ra ngoài lao động, Huỳnh Văn Ba đã dùng tiền mua chuộc Tiết Sa Rết, rồi nhờ anh ta gửi một bức thư cho người em ruột là Huỳnh Hữu Thọ.

Trong thư, Huỳnh Văn Ba cho Huỳnh Hữu Thọ biết tên họ, địa chỉ của một số thành viên “mặt trận” chưa bị bắt, cùng ám hiệu liên lạc để Thọ nói với những người này chuẩn bị vũ khí, tiến hành đột kích, phá trại giam, giải thoát cho mình.

Thật khó mà tưởng tượng được một người “tu hành”, lại có thể viết ra những lời lẽ như sau: “...Cặp theo mương nước là chỗ tụi công an nó ít để ý. Mấy anh cứ theo đó mà vô, gặp thằng nào bắn chết thằng đó. Nó đầu hàng cũng bắn vì mình đâu có mang nó đi theo được. Trong này, tụi tui nghe tiếng súng nổ, sẽ phá cửa, hò la trợ lực...”.

Tuy nhiên, khi nhận bức thư của Huỳnh Văn Ba, Tiết Sa Rết ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề nên đã nhanh chóng trình báo cho Ban giám thị trại. Sau đó, Huỳnh Văn Ba cùng 20 đồng phạm ra tòa rồi lĩnh án tù chung thân, thụ hình tại Trại giam Cây Gừa, tỉnh Bạc Liêu.

Trong thời gian Huỳnh Văn Ba chấp hành án phạt tù tại Trại giam Cây Gừa, thì  những thành viên thuộc nhóm phản động Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy phạm tội xâm nhập Việt Nam, tiến hành âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cũng bị giam tại đây.

Biết được điều này, Huỳnh Văn Ba tìm cách liên lạc, móc nối để tổ chức phá trại giam, trốn ra rừng, thành lập “chiến khu”, kêu gọi nước ngoài yểm trợ tiền bạc, vũ khí. Bước đầu, ngoài Trịnh Thanh Sơn, ông ta rủ thêm Quách Văn Hoạch, Nguyễn Văn Tấn và Đỗ Thành Công, là những kẻ ở chung buồng giam.

Với một chiếc nắp nấu cơm bằng gang, cả bọn tiến hành đào hầm ngay dưới tấm phản nằm. Theo dự kiến, sẽ phải đào khoảng 6 hoặc 7 mét thì mới ra khỏi  hàng rào rồi sau đó, giết cảnh vệ, cướp súng, mở cửa buồng giam để nhóm phản động Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy cùng tẩu thoát.

Thời điểm ấy, Trại giam Cây Gừa còn tạm giữ khá nhiều người vượt biên, cùng một số ngư phủ nước ngoài vi phạm lãnh hải Việt Nam, và tàu bè của họ được đưa về neo đậu ngay con kinh sát trại.

Kế hoạch của Huỳnh Văn Ba là nếu thoát ra được, thì sẽ lấy một trong những chiếc tàu này, rồi chạy vào U Minh, hoặc sang Thái Lan.

Trong suốt những ngày sau đó, lợi dụng sự lơi lỏng, thiếu kiểm tra của cán bộ quản giáo, của bộ phận cảnh vệ, nhóm vượt ngục dưới sự chỉ đạo của Huỳnh Văn Ba đã đào được một đường hầm dài khoảng 6 mét.

Số đất đào lên, Ba cùng đồng bọn nghiền vụn, đổ vào ống cống trong nhà vệ sinh, và giội nước cho trôi đi hết. Một tối, dựa vào sự thay đổi thời tiết, Ba nhận định trời sẽ mưa và có gió to trong khoảng từ 23h trở đi nên cả bọn quyết định hành động.

Đúng như Huỳnh Văn Ba dự đoán, khuya hôm ấy trời mưa như trút nước. Nhưng mưa to quá khiến lớp đất trên mặt hầm nhão ra, đổ ập xuống, vùi lấp Nguyễn Văn Tấn lúc này đang khoét những tấc đất cuối cùng. Khi kéo được Tấn lên, thì gã hầu như chẳng còn nhúc nhích. Xui xẻo hơn cả là đất đổ xuống, đã khiến phần lớn đoạn hầm bị lèn chặt, y như lúc chưa đào.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà trời lại gần sáng nên cả bọn chỉ còn cách trông nhờ vào may rủi. Khoảng 6h, khi những phạm nhân ở dãy buồng giam phía sau thức dậy đi vệ sinh, thì họ phát hiện ở lỗ thoát, đất bùn sủi lên thành đống.

Lập tức, họ báo ngay cho cán bộ quản giáo. Hóa ra do nước mưa chảy quá mạnh, nên đã đẩy lượng đất mà nhóm Huỳnh Văn Ba đổ xuống ống thoát, trào ngược lên các buồng giam sau lưng.

Một lần nữa, Huỳnh Văn Ba lại ra tòa, và lại lĩnh thêm một án tù chung thân. Điều này lý giải vì sao sau khi được đặc xá, Huỳnh Văn Ba lại điên cuồng chống phá Nhà nước hơn bao giờ hết...

Ngày 2/2/2005, Huỳnh Văn Ba được đặc xá, và được cho về cư trú tại Bạc Liêu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông ta đã tiến hành liên lạc với một số phạm nhân can tội phản cách mạng, đã từng bị giam chung với ông ta và đã được tha, để cho ra đời cái gọi là “Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo”. Số này sau đó lại lập ra tổ chức phản động “nhóm người Việt Nam yêu nước”, nhưng đã bị Công an tỉnh Đồng Nai đập tan.

Thực chất thì ngay từ năm 1987, trong trại cải tạo Xuân Phước, Huỳnh Văn Ba đã bí mật liên hệ với Phạm Trần Anh, là Việt kiều Mỹ, can tội âm mưu lật đổ chính quyền để nhen nhóm hình thành “hội” này.

Ngày 27/10/2006, “hội” của Huỳnh Văn Ba ra mắt công khai trên các trang web của những nhóm phản động người Việt hải ngọai, do Ba làm chủ tịch với đầy đủ điều lệ, cương lĩnh. Phạm Trần Anh được Ba phong cho làm “chủ tịch đại diện hải ngoại”, Vũ Trọng Khải là “đại diện chi hội Úc châu”, đồng thời Huỳnh Văn Ba liên lạc, cầu cạnh với Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn Sĩ Bình, là những kẻ cầm đầu tổ chức phản động “nhân dân hành động” (mà bà con Việt kiều thường mỉa mai là "nhân dân hành... lạc) ở Mỹ rồi được Ngãi, Bình cho tiền mua sắm thiết bị như máy tính xách tay, điện thoại di động, máy fax để Ba viết bài, xuyên tạc vu khống Nhà nước Việt Nam.

Bản chất của “Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo” có thể tóm gọn trong mấy chữ: Đó là đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lợi dụng thiên tai, bão lũ, Huỳnh Văn Ba tổ chức những đợt đi cứu trợ, từ thiện nhưng thực chất là để móc nối với những phần tử cơ hội, bất mãn, rủ rê, lôi kéo họ vào “hội”. 

Bên cạnh đó, Ba viết hồi ký rồi chuyển sang Mỹ để in và tán phát. Nội dung hồi ký, Huỳnh Văn Ba bịa ra nhiều chuyện, xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam, đồng thời thường xuyên viết bài và trả lời phỏng vấn cho những ổ nhóm phản động hải ngoại.

Lợi dụng những tranh chấp về đất đai, Ba xúi giục một số bà con ở Bạc Liêu, kéo lên TP HCM tụ tập khiếu kiện đông người. Những vụ khiếu kiện này được Ba cho chụp hình, gửi các ổ nhóm phản động để chúng xuyên tạc. Khi Cơ quan Văn hóa tỉnh Bạc Liêu tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của Huỳnh Văn Ba, đã thu được hơn 3.000 trang tài liệu nội dung chống phá...

Mặc dù được khoan hồng đặc xá, nhưng Huỳnh Văn Ba đã không thấy được chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước mà vẫn tiếp tục "ngựa quen đường cũ". Với những người như vậy, rõ ràng phải có hình thức xử lý nghiêm khắc

Hòa Xuân
.
.
.