Đôi điều suy nghĩ về nội dung dòng văn đầu trong Lời nói đầu của Dự thảo Hiến pháp

Chủ Nhật, 17/02/2013, 18:52
Tôi nghĩ trong đoạn văn mở đầu này nên viết thêm, viết kỹ hơn về nội dung trên để tương xứng với các đoạn văn sau. Có thể thêm Từ thuở Hùng Vương dựng nước tới các triều đại tiếp theo... được chăng vì dân tộc ta luôn coi vua Hùng là Quốc tổ, lập đền thờ Người.

Lời nói đầu của Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (Sửa đổi năm 2013), theo bản in của Báo Công an nhân dân số ra thứ tư, ngày 2/1/2013, có nguyên văn đoạn mở đầu là:

“Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.

Đoạn văn mở đầu trong Lời nói đầu trong bản dự thảo của hiến pháp mang ý nghĩa khái quát về lịch sử xây dựng đất nước của dân tộc. Toàn văn lời mở đầu nêu được khá đầy đủ những việc quan yếu mang tính khẳng định và dẫn dắt cho các nội dung tiếp theo mà hiến pháp sẽ đề cập tới với những điều luật cụ thể ở đất nước ta từ có Đảng lãnh đạo đến nay.

Tuy nhiên, tôi chỉ xin phép được bàn thêm về nội dung đoạn văn mở đầu:

Đoạn mở đầu có những câu chữ: Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam...

Đầu tiên tôi xin được in nghiêng và nhấn mạnh về từ mấy này. Lâu nay ta thường nói và viết về nguồn gốc người Việt Nam, gần với huyền thoại là mẹ Âu Cơ cùng bố Lạc Long Quân sinh ra trăm trứng nở thành trăm con, rồi truyền thuyết dân gian rất gần với lịch sử trong 18 đời vua Hùng dựng nước và cũng quen với câu mở đầu khi nói về thời lượng dân tộc dựng xây đất nước với ấn mức thời gian là 4.000 năm lịch sử.

Có một thực tế là về thời xa xăm ấy ta chưa có văn bản về sử liệu, chữ nghĩa hoặc có nhưng do chiến tranh loạn lạc cùng các cuộc thiên di của con người và sự bất ổn của thiên nhiên... mà đến nay cái mốc 4.000 năm ấy cũng mới chỉ dừng trong mức truyền miệng qua lịch sử dân gian hoặc các bản văn không thuộc dạng nghiên cứu khẳng định một cách tương đối mặc dù các nhà khảo cổ đã tốn không ít công sức khi tìm lại các di vật thời vua Hùng.

Như vậy là năm tháng về thời mở nước và ngày mở nước cho đến tận bây giờ ta chưa xác định được cụ thể âu cũng là lẽ bình thường của hoàn cảnh nước mình và nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu ta ngại từ bốn mà dùng từ mấy trước từ nghìn năm nghe chưa ổn lắm. Từ mấy là chỉ thời gian mang tính ước lệ, có giá trị khẩu ngữ trong giao tiếp thông thường nên khi đưa nó vào văn bản sẽ thiếu đi phần trang trọng và chính xác.

Ai cũng biết dân tộc ta mở nước, dựng nước và giữ nước không thể là trăm năm, cũng không chỉ dừng ở mức ngàn năm nhưng gọi là mấy nghìn năm nghe không ổn. Ta nên dùng từ hàng nghìn năm thay cho mấy nghìn năm, cho dù chỉ là thay một chữ thôi nhưng vị trí câu văn khúc chiết và chững chạc hơn.

Sau câu này xin cho thêm câu từ thuở Hùng Vương dựng nước tới các triều đại tiếp theo, qua công sức của nhiều thể chế lãnh đạo rồi nối tiếp sang đoạn sau cho hợp với nội dung lập pháp của hiến pháp trong sự tiếp thu có chọn lọc những thành quả hành chính của mỗi triều đại đã qua và để lại của đất nước.

Trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi khi vâng lệnh vua Lê, triều Lê soạn lời thưa chuyện với bá tính đất nước khi triều đại mới ra đời sau cuộc kháng chiến đuổi giặc cướp nước, ngay đoạn mở đầu Người đã viết:

Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm Đế một phương...

Nguyễn Trãi đã có hùng văn về thành tựu trong hiến pháp quốc gia về đạo giữ nước, dựng nước khá cụ thể của ông cha mình. Với chúng ta bằng phẩm hạnh uống nước nhớ nguồn của con cháu trước tổ tiên rất nên nhắc đến thành tựu kiến quốc trong các luật lệ của tiền nhân. Những cái còn lại của người xưa cho hôm nay về kinh nghiệm lập pháp và hành pháp luôn là tinh hoa để cho  đời nay tiếp thu và tiếp tục.

Tôi nghĩ trong đoạn văn mở đầu này nên viết thêm, viết kỹ hơn về nội dung trên để tương xứng với các đoạn văn sau. Có thể thêm Từ thuở Hùng Vương dựng nước tới các triều đại tiếp theo... được chăng vì dân tộc ta luôn coi vua Hùng là Quốc tổ, lập đền thờ Người.

Bác Hồ cũng đã nói: Các vua Hùng đã có công dựng nước...! Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt đã được quốc tế công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại. Phải chăng đây là những gợi ý giúp ta vững tin đưa nội dung quan trong trên vào lời mở đầu.

Sau giai đoạn mở nước này, đất nước ta có được như ngày nay là do công lênh của nhiều triều đại khác nhau trong nghiệp dựng nước giữ nước, lời hùng văn đầu tiên nên viết kỹ hơn là để thể hiện đầy đủ đạo hiếu nghĩa của người đi sau với người đi trước, tạo sự hài hòa cân xứng trong nội dung thể hiện mà ta đã viết khá cụ thể ở đoạn sau thời Bác Hồ và Đảng lãnh đạo nhân dân lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Còn câu nhân dân Việt Nam thay bằng nhân dân ta để giữ nguyên từ văn hiến Việt Nam ở đoạn cuối, tránh bị lặp hai từ Việt Nam trong một câu mà vẫn đầy đủ ý nghĩa.

Cũng đoạn cuối của câu có dòng xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam tôi xin đề nghị được sửa là bồi đắp vì nền văn hiến là gồm những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có được trong quá khứ, hiện tại và tiếp tục có được trong tương lai với quá trình cống hiến của nhiều thế hệ người dân trong dựng xây đất nước cho nên dùng từ bồi đắp sẽ khiến nội dung của đoạn văn này sinh động hơn, hợp cảnh hơn và bớt đi được một từ lặp trong câu là từ dựng.

Theo thiển nghĩ của tôi, đoạn văn trên nên là:

Trải hàng ngàn năm lịch sử, từ thuở Hùng Vương dựng nước tới các triều đại tiếp theo, nhân dân ta lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và bồi đắp nên nền văn hiến Việt Nam

P.Q.
.
.
.