Doanh nghiệp môi giới phải có trách nhiệm nếu lao động bỏ trốn

Thứ Sáu, 23/10/2020, 19:36
Trong thực tế có doanh nghiệp cố tình đào tạo nhiều để thu phí nhưng đưa đi lao động rất ít, gây thắc mắc, người lao động phải mắc nợ, vay khó trả”, đại biểu nói, đồng thời đề nghị việc doanh nghiệp thu tiền dịch vụ (chứng chỉ ngoại ngữ, thủ tục xuất nhập cảnh…) phải thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp thu một mức khác nhau, gây thiệt thòi lợi ích cho người lao động.


Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).  Theo các đại biểu, xét về mặt tổng thể, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù  hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động.

Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là có hay không giao cho đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm  do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu đồng ý giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thoả thuận quốc tế. Đồng thuận với phương án này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, như vậy người lao động sẽ có thêm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, và không nên hạn chế số lượng doanh nghiệp dịch vụ. Cùng chung quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, với phương án này, có thể tạo điều kiện cho người lao động các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài nhiều hơn, tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh)

Phân tích sâu hơn về lý do vì sao nên giao cho cấp tỉnh đưa người đi lao động nước ngoài, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng đây là nơi tạo nguồn, mà các địa phương đã giao cho để thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các đơn vị xuất khẩu được cấp phép tìm kiếm người đi làm việc đều thông qua các Trung tâm để là một kênh tìm kiếm. Do đó, "thực chất các Trung tâm việc làm này đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm", ông nói và ví dụ ở địa phương của ông, tỉnh Hà Tĩnh được giao điều ước thỏa thuận này, như trực tiếp ký kết với Đức, Hàn Quốc và một số nước, thì giao đơn vị này trực tiếp làm các điều khoản mà không hề tăng biên chế, cũng như các yếu tố, và người lao động hết sức tin tưởng.

Đồng thuận, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cũng nhất trí cao phương án này, tạo cơ sở pháp lý để các Trung tâm dịch vụ việc làm thực thi điều ước, thỏa thuận quốc tế trong tạo việc làm cho địa phương. Và đáng chú ý, là "không làm phát sinh thêm bộ máy biên chế", nữ đại biểu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tuyển lao động phải có trách nhiệm về lao động

Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là tình trạng người lao động bỏ trốn, không thực hiện đúng hợp đồng, tình trạng cò dịch vụ môi giới đưa lao động đi nước ngoài dẫn đến tình trạng lộn xộn trong thị trường này và chủ trương thu hút các lao động làm việc trong nước khi họ hết hợp đồng ở nước ngoài.

Đại biểu Phạm Văn Hoà ( Đồng Tháp) ủng hộ chủ trương hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp cho các lao động về nước sau khi hết hợp đồng, bởi đây là lực lượng đã được đào tạo, có tay nghề, thu hút họ vào các cơ sở sản xuất hoặc đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho lao động trong nước.

“Thời gian qua có địa phương làm tốt, có nơi sự quan tâm còn rất hạn chế, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động tại nước ngoài khi về nước không có công ăn việc làm, chỉ “ăn không ngồi rồi”, rồi một thời gian ăn tiêu hết tiền lại tiếp tục đi làm thuê”, ông Hoà nêu vấn đề và nhấn mạnh tạo chính sách việc làm cho lao động hết hạn về nước là rất cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, thời gian qua có không ít doanh nghiệp hoạt động “chui”, tuyển lao động bất hợp pháp, có doanh nghiệp đã bị tước giấy phép vẫn ngang nhiên tuyển lao động, chưa kể tình trạng “cò” lao động… dẫn đến tình trạng tuyển tràn lan. Nhiều người muốn được tuyển nên không ngại nộp chi phí cao, sau khi được tuyển rồi thì bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp. 

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp)

 “Chính tình trạng lao động bỏ trốn khiến nước sở tại gây khó khăn cho công việc tuyển chọn lao động hợp pháp”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị doanh nghiệp tuyển lao động phải có trách nhiệm với nhà nước về lao động mình được tuyển, nếu bỏ trốn phải phối hợp với địa phương tìm hiểu, động viên lao động về nước khi hết hợp đồng lao động, và xem đây là một trong những điều kiện để cấp phép cho doanh nghiệp. Có như vậy mới hạn chế được người lao động bất hợp pháp, đồng thời đề nghị cần thiết phải quy định cụ thể về quy trình sơ tuyển, để đảm bảo chất lượng lao động, đồng thời tránh tình trạng đào tạo nhiều nhưng số lượng đi ít, gây lãng phí cho người lao động và xã hội.

“Trong thực tế có doanh nghiệp cố tình đào tạo nhiều để thu phí nhưng đưa đi lao động rất ít, gây thắc mắc, người lao động phải mắc nợ, vay khó trả”, đại biểu nói, đồng thời đề nghị việc doanh nghiệp thu tiền dịch vụ (chứng chỉ ngoại ngữ, thủ tục xuất nhập cảnh…) phải thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp thu một mức khác nhau, gây thiệt thòi lợi ích cho người lao động.


Thu Thuỷ
.
.
.