Đô thị thông minh: Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển

Thứ Sáu, 23/10/2020, 08:59
Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đồng chủ trì và tổ chức Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Chiều 22/10/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đồng chủ trì và tổ chức Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, với sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Ban Thư ký ASEAN, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Đà Nẵng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn gắn với các hoạt động chính thức của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với sự tham gia trực tiếp của nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước, trong khu vực ASEAN và đại diện lãnh đạo quốc tế, gần 2.000 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các đối tác là cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Diễn đàn còn có sự tham dự của khoảng trên 60 đại biểu quốc tế dự trực tiếp, và gần 50 đại biểu quốc tế tham gia trực tuyến tại 35 điểm cầu trên thế giới.

Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng carbon dioxit (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tại diễn đàn.  Ảnh: TTXVN

Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết. Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, chủ đề được lựa chọn sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề chính là hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Diễn đàn lần này có 5 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong xây dựng đô thị thông minh. Đồng thời, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động triển lãm về mô hình đô thị thông minh, các nền tảng, sản phẩm công nghệ cho xây dựng đô thị thông minh.

Tham gia phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn cấp cao, ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khuyến nghị: Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ASEAN có một nền tảng công nghệ mạnh mẽ cho các thành phố thông minh; thông qua công tác quản lý, hài hòa các quy định và thúc đẩy trao đổi dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giải quyết các thách thức đô thị và tạo ra các nguồn tăng trưởng mới; cần tăng cường chia sẻ các giải pháp thực tiễn hiệu quả để giúp giảm khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo thành thị, đầu tư vào đào tạo lại kỹ năng, nâng cao kỹ năng và học hỏi các kỹ năng mới cho lao động phi chính thức và những người làm việc trong các lĩnh vực có khả năng mất việc...

Đô thị thông minh là hướng đi đột phá

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đồng chủ trì cùng các cơ quan tổ chức Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020. Thủ tướng nhấn mạnh: “Diễn đàn hôm nay là dịp quan trọng để chúng ta cùng trao đổi sâu sắc toàn diện về các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phát triển đô thị thông minh giữa các quốc gia, đô thị thành viên và thúc đẩy quan hệ đối tác ngoài khối”.

Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.

Thủ tướng cho rằng, mạng lưới đô thị thông minh ASEAN thực sự là không gian thuận lợi để các quốc gia ASEAN phát huy nội lực, mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài khối để thúc đẩy quá trình đô thị hóa thông minh hiệu quả để hướng đến các mục tiêu nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao; hiện nay, đã có 3 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng tham gia vào mạng lưới này; Việt Nam xác định xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia CMCN 4.0, đồng thời ban hành chính sách phát triển Đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, mục tiêu nhân văn của đô thị thông minh là hướng đến cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị bền vững.

Để đạt được những điều này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm là, cần phát triển hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phải dựa trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, kinh nghiệm và phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên; cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.

Hà An
.
.
.