Điều đầu tiên trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là xuất phát điểm, phạm trù gốc

Thứ Năm, 09/05/2013, 14:48
Trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND, không phải ngẫu nhiên, điều đầu tiên Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ Công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đó là yêu cầu đối với chính mình, là xuất phát điểm, là phạm trù gốc, là cơ sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta và của dân tộc ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Sinh thời Người nói: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”. Chính vì vậy, ngay từ khi nước nhà mới giành được chính quyền, Người đã quan tâm đến việc thành lập, giáo dục, rèn luyện và luôn dõi theo từng bước trưởng thành của lực lượng Công an cách mạng.

Lựa chọn những cán bộ trung thành với sự nghiệp của Đảng, có năng lực và nhiệt huyết cách mạng nhất để đào tạo thành lực lượng Công an tinh nhuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an phải ý thức đầy đủ vị trí và trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng và Chính phủ. Người chỉ rõ: “Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng XHCN, trách nhiệm của Công an rất lớn, rất nặng nề”, và: “Nhiệm vụ công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp XHCN”.

Để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến việc rèn luyện đạo đức của người CAND. Theo Người, tư cách đạo đức là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho lực lượng CAND hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, đáp ứng được lòng tin cậy của nhân dân.

Vì lẽ đó, trong mọi hoàn cảnh, lúc đến thăm các đơn vị Công an cũng như khi viết thư, gửi điện thăm hỏi CBCS Công an, Bác Hồ luôn động viên, nhắc nhở cán bộ Công an phải thường xuyên rèn luyện tư cách, phẩm chất của người Công an cách mạng. Trong đó, tiêu biểu nhất là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Sở Công an Khu XII, ngày 11/3/1948, nêu rõ 6 lời dạy của Người.

Lời dạy của Người đã trở thành cẩm nang chỉ dẫn cho tất cả CBCS lực lượng CAND đi đến mọi thắng lợi trong suốt chặng đường cách mạng đã qua và sẽ còn soi sáng, chỉ đường cho lực lượng Công an trưởng thành, phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963). (Ảnh: Tư liệu).

Trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND, không phải ngẫu nhiên, điều đầu tiên Bác Hồ căn dặn các chiến sĩ Công an: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đó là yêu cầu đối với chính mình, là xuất phát điểm, là phạm trù gốc, là cơ sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác.

Người cán bộ Công an khi đã hội tụ đủ phẩm chất: Cần, kiệm, liêm, chính, sẽ luôn nêu cao đức tính tôn trọng, giữ gìn tài sản và của cải của nhân dân. Đặc biệt là: “Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là: ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Người cán bộ Công an khi thật sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính sẽ đặt việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. Do đó Người luôn đề cao phương pháp giáo dục bằng việc nêu gương, Người nói, đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, một tấm gương tốt còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Để trở thành tấm gương, đối với lực lượng Công an, công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước, lực lượng trọng yếu trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và sự bình yên của nhân dân, do đó mỗi CBCS Công an trước hết phải có cái tâm trong sáng, đó chính là đạo đức cách mạng. Đối với cá nhân mỗi chiến sĩ Công an, phải biết được bản thân mình, chỗ mạnh chỗ yếu của mình để không ngừng học tập, rèn luyện: “Phải luôn luôn thi đua nhau trong công tác từ trên xuống dưới, mọi người phải cố gắng nghiên cứu, học tập. Ta chớ giấu dốt, chớ xấu hổ học hỏi lẫn nhau, học hỏi người ngoài”. Kiên trì học tập, thường xuyên học tập, học mọi lúc, mọi nơi, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, chính là gốc của việc nâng cao trí tuệ, là cơ sở để có thể chiến thắng kẻ thù, dù chúng có âm mưu xảo quyệt đến đâu.

Mỗi cán bộ Công an phải biết tự rèn luyện mình, nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng, kiên quyết quét sạch tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh gạt bỏ những tính toán vụ lợi, tư tưởng chia rẽ, bè phái, ích kỉ, nhỏ nhen ra khỏi đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Lực lượng Công an phải nâng cao tinh thần kỷ luật, nghiêm túc đấu tranh bằng biện pháp phê bình và tự phê bình một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm; coi tự phê bình và phê bình là phương thuốc hữu hiệu nhất để trị căn bệnh nguy hiểm nhất mà sinh thời Hồ Chí Minh gọi là “giặc nội xâm” tức là chủ nghĩa cá nhân, kẻ thù giấu mặt có ở trong tất cả chúng ta. Đồng thời thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, thực hành dân chủ ở mọi lúc, mọi nơi.

Tóm lại, điều đầu tiên Hồ Chí Minh dạy lực lượng Công an cách mạng là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết loại trừ thứ “giặc nội xâm” có ở trong mỗi con người, tích cực học hỏi để trở thành người cán bộ vừa có đức, vừa có tài.

Bởi vì như Người nói: “Muôn việc thành? công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Cho nên: Cần, kiệm, liêm, chính là những tiêu chí, phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất mà mỗi người cán bộ Công an phải có, làm được điều đầu tiên này, làm cơ sở để thực hiện tốt 5 điều sau đó.

Tất nhiên, khi dạy lực lượng CAND điều đầu tiên: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, tức là “ít lòng ham muốn vật chất”, không phải Bác Hồ không biết đến những cám dỗ vật chất đời thường và những tác động mọi mặt của đời sống xã hội đến tâm lý, tình cảm của người chiến sĩ. Nhưng người cán bộ cách mạng nói chung và chiến sĩ Công an nói riêng, phải khác người bình thường ở chỗ, ngoài những ham muốn vật chất nhất thời, họ có trọng trách theo đuổi và thực hiện mục tiêu cách mạng cao cả.

Trong bức thư gửi luật sư Vũ Trọng Khánh - Giám đốc Tư pháp Liên khu X, Bác Hồ đã viết: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người là hết, còn tiếng tăm xấu hay tốt còn truyền đến ngàn đời sau”.

Tháng 9/1945, trên đường từ Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác Hồ ghé thăm CBCS một đơn vị quân đội đang dự lớp học “Tám chính sách, mười điều kỷ luật”, chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô. Người nhắc nhở các chiến sĩ yêu quý của mình phải vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, cảnh giác trước những cám dỗ vật chất nơi đô thị. Người chỉ rõ hai thứ giặc thời bình: tham ăn ngon, thích các hàng xa xỉ. Lương không đủ, lấy ở đâu? Một là ăn cắp, hai là bị mua chuộc! Bom đạn không ngã mà lại ngã vì đồng tiền, gái đẹp. Muốn chiến thắng, theo Người, phải dùng 4 viên thuốc đặc trị: Cần, kiệm, liêm, chính.

Cần, kiệm, liêm, chính và tận tụy với công việc luôn là phẩm chất hàng đầu của mỗi cán bộ chiến sỹ Công an. (Trong ảnh: Công an quận Hoàn Kiếm - Hà Nội hướng dẫn một tiệm vàng lắp thiết bị cảnh báo an ninh) (Ảnh: Duy Hiển).

65 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ gửi thư cho lực lượng CAND và 6 điều Người căn dặn CBCS Công an, những lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, chống đối vẫn luôn rình rập, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, gây mất ANTT, phương hại đến chủ quyền quốc gia và đời sống bình yên của nhân dân.

Mặt khác, những vấn đề tiêu cực nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường, buộc CBCS CAND đang ngày đêm phải đối mặt với sự thật khắc nghiệt của nó. Kẻ địch với đủ các loại tội phạm mới, tham ô, tham nhũng, đục khoét ngân sách nhà nước, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học, công nghệ, những loại tội phạm mới cũng hình thành. Hơn bao giờ hết, người cán bộ Công an phải chịu đựng những thử thách ghê gớm bởi sự cám dỗ, mua chuộc vật chất, cài bẫy lôi kéo cán bộ vào vòng sa đọa, tội lỗi, đòi hỏi người CAND chẳng những phải có đạo đức trong sáng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà còn phải có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Học tập, quán triệt 6 lời dạy của Bác, lực lượng CAND, mỗi CBCS Công an phải ra sức rèn luyện đạo đức, liên hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng thế trận lòng người, đoàn kết với đồng chí, đồng đội, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù nào, nhất là những cám dỗ vật chất, những “viên đạn bọc đường” của chủ nghĩa cá nhân.

Ghi nhớ và thực hiện đúng 6 điều Bác dạy, lực lượng CAND sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để tiến lên giành những thắng lợi mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

T.M.T.
.
.
.