Địa phương mạnh thì đất nước, Chính phủ mạnh

Chủ Nhật, 01/07/2018, 08:25
Chiều 30-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm, làm việc tại Thái Nguyên - một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội với vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cùng với vị trí trung tâm của Việt Bắc, Thái Nguyên còn là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc, là đầu mối các hoạt động văn hóa, giáo dục của cả vùng núi phía Bắc rộng lớn. Địa phương này còn là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; 52 cơ sở dạy nghề với khoảng 140 nghìn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước (đứng sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Đến với Thái Nguyên là đến với mảnh đất cội nguồn của cách mạng dân tộc Việt Nam, mảnh đất sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc, được tạo bởi thế núi, hình sông, những địa danh nổi tiếng như Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa với 128 điểm di tích; Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc và trên 800 điểm di tích, trong đó, có 252 điểm là di tích lịch sử.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nhắc đến tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế trên vùng đất “cái nôi của cách mạng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội mà Thái Nguyên đã đạt được những năm vừa qua; biểu dương hệ thống chính trị tỉnh đoàn kết “trên dưới một lòng”, nỗ lực xây dựng và phát triển địa phương ngày một vững mạnh.

Thủ tướng nhận xét, Thái Nguyên phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Thái Nguyên còn là một điểm sáng về thu hút FDI. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực dựa trên lợi thế so sánh. Mặc dù là địa phương bán sơn địa nhưng tỉnh vẫn có thành tích tốt về xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng và hoan nghênh quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu từ nay đến trước 2020, tỉnh sẽ có thể tự cân đối được ngân sách và khẳng định, Chính phủ, các bộ ngành sẽ nỗ lực hỗ trợ, phối hợp để Thái Nguyên hoàn thành sớm mục tiêu này. Thủ tướng mong muốn Thái Nguyên sớm đạt mục tiêu này ngay trong năm 2018 hoặc chậm nhất là năm 2019 với tinh thần “địa phương mạnh thì đất nước, Chính phủ mạnh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền Thái Nguyên cần có tầm nhìn lớn hơn, sâu rộng hơn để tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước theo hướng “trở thành địa phương mẫu mực của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường”.

Thái Nguyên phải trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu phía Bắc và cả nước; có sự liên kết chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị tỉnh phát triển mạnh mẽ ngành nghề du lịch, dịch vụ để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Về kinh tế, Thủ tướng đề nghị Thái Nguyên đẩy mạnh đa dạng hóa phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ và nông nghiệp sạch. Thủ tướng cũng gợi ý tỉnh tập trung nâng cao giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên sao cho hội nhập hiệu quả và sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường hiệu quả dinh dưỡng đối với sức khỏe từ sản phẩm trà Thái Nguyên để mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao. Phát triển các sản phẩm công nghệ cao khác trên cơ sở kết nối chặt chẽ, hiệu quả với khối doanh nghiệp FDI để tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương vươn lên. Doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần cố gắng tham gia sâu vào việc cung ứng các loại hình sản phẩm, dịch vụ, thương mại phục vụ hàng trăm ngàn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn đi đôi với duy trì, xây dựng tốt các thiết chế công đoàn.

Thủ tướng mong muốn Thái Nguyên giữ vững truyền thống quê hương cách mạng, khắc phục những tồn tại, bất cập; tăng cường quản lý an ninh trật tự. Tỉnh cũng cần nỗ lực phấn đấu cải thiện tốc độ đô thị hóa, mở rộng thành phố Thái Nguyên; quan tâm toàn diện hơn nữa đến đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa trong tiến trình phát triển.

Theo TTXVN
.
.
.