Đi xe ngồi, sửa xe nằm

Thứ Tư, 10/09/2014, 10:03
Ở mình có những thứ khá lạ, ấy là nhiều khi điều cấm không phải là sản phẩm của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên các luận chứng khoa học mà nó được đưa ra một cách bất ngờ, từ một cú sốc nào đó trong đời sống xã hội. Thử lật lại vài ví dụ xem sao?

Sau vụ hỏa hoạn tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo mùa hè năm 2013, người ta mới giật mình nhận thấy trong nội đô còn quá nhiều cây xăng nằm chung với khu vực đông dân cư, các khu cao tầng, ngã ba ngã tư đường phố... Thế là lệnh tổng kiểm tra được ban bố, kèm theo yêu cầu rà soát và “xử lý nghiêm” các cây xăng vi phạm... Tháng 5/2011, chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang chở theo hàng chục du khách đang dự tiệc sinh nhật thì bị lật làm 16 người bị chìm. Ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và hàng loạt tỉnh, thành đã quyết định tiến hành tổng kiểm tra lại hoạt động của các tàu nhà hàng cũng như tàu cánh ngầm trên địa bàn, đồng thời “kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ những phương tiện không đảm bảo an toàn cho hành khách”.

Cuối năm 2010, chiếc xe khách giường nằm khi đi qua địa phận Hà Tĩnh bị lũ nhấn chìm làm 20 hành khách thiệt mạng. Sau vụ chìm xe thảm khốc, các chuyên gia đề nghị: xe khách phải có cửa thoát hiểm, phải có búa để đập vỡ kính khi cần thiết...

Năm ngoái, khi một số vụ tai nạn cũng liên quan xe khách xảy ra vào lúc rạng sáng, nguyên do được cho là lái xe lái nhiều, thấm mệt nên buồn ngủ. Lập tức, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội có “sáng kiến”: đề xuất cấm xe khách chạy đêm, lý do là chạy đêm lái xe dễ mất ngủ, dễ gây tai nạn...

Xem như thế thì khá nhiều kiến nghị, lệnh cấm, lệnh tổng kiểm tra “xử lý nghiêm” được đưa ra chỉ sau khi có sự vụ nào đó gây chấn động đời sống xã hội. Xét về mặt logic, quản lý Nhà nước phải bám theo thực tiễn xã hội,  thực tiễn vượt lên hoặc tụt lại thì góc độ quản lý cũng phải chỉnh sao cho hợp. Những cú sốc trong đời sống thường là điểm nút khiến các nhà quản lý, hoạch định chính sách pháp luật phải coi lại chính sách quản lý của mình. Nhưng nếu việc quản lý cứ chạy theo, đuổi theo các cú sốc như vậy, khác gì chuyện đẽo cày?

Xe giường nằm lật ở Lào Cai, lãnh đạo Bộ GTVT đi thực địa rồi tá hỏa thấy rằng, đường đèo dốc loại xe này không an toàn. Không an toàn thì phải cấm. Muốn cấm phải sửa thông tư. Nói thế thoạt nghe xuôi tai. Nhưng lật ngược lại: Xe giường nằm là sản phẩm tiên tiến của phương tiện vận tải hành khách. Xã hội phát triển thì mới có xe giường nằm. Xe này lưu hành ở ta đã dăm bảy năm và tất trước khi nhập (hoặc sản xuất trong nước), các nhà quản lý đã phải nghiên cứu địa hình rồi mới đi đến quyết định. Việt Nam có 3/4 địa hình là đồi núi, cấm xe giường nằm lưu hành ở địa hình đồi núi thì có nghĩa gần như cấm hết. Thế thì tại sao không thấy được điều đó để cấm ngay từ đầu bởi đường đèo dốc có phải tự nhiên giờ mới có đâu để giật mình. Thống kê của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho thấy, cả nước có khoảng 4.500 xe giường nằm, trong đó có khoảng 1.000 xe mang biển số các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, khoảng 3.000 xe loại xe giường nằm đang chạy đến các tỉnh vùng cao. Cấm thì 4.500 xe, cùng đó là hàng nghìn lái xe, doanh nghiệp đi đâu, làm gì?

Lật xe ư? Có phải riêng xe giường nằm mới lật. Ở vùng núi, chuyện lật xe tải, xe con, xe khách ghế ngồi thi thoảng vẫn xảy ra và lỗi chủ yếu do lái xe không chấp hành đúng luật lệ. Vậy thì đâu phải tại cái giường nằm hay ghế ngồi mới sinh ra lật xe để phải cấm?

Cấm xe chạy đêm để tránh lái xe ngủ gật? Một ngày có bao nhiêu giờ mà cấm ban đêm thì còn gì để xe hoạt động, hay đơn giản để đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh phải mất hai đêm, một ngày, cấm tất phải ngủ giữa đường?!

Vụ chìm phà Dìn Ký ngày trước, có phải chìm vì tại cái phà hai tầng nổi lênh đênh nên nguy hiểm, phải cấm? Nếu thời tiết xấu mà nhà phà không hoạt động thì có nên sự?

Cây xăng ở Trần Hưng Đạo bốc hỏa, có phải vì tại nó nằm ở ngã ba? Và nếu nằm ở vùng đó nguy hiểm thì khi cấp phép xây dựng cây xăng, tại sao cơ quan cấp phép không biết mà vẫn cứ ký, để hàng chục năm sau cháy nổ rồi mới nói “không an toàn”...

Thực là, mọi sự vụ đều có lý của nó. Lệnh cấm liên quan quyền, lợi ích của hàng triệu người, hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp. Chỉnh sửa văn bản quy phạm pháp luật mà chạy theo sự vụ thì hẳn người chạy chẳng đủ sức mà theo, còn người theo thì cũng không biết đâu mà thực hiện. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Dự thảo thông tư được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo, dự thảo thông tư được gửi lấy ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan. Tổ chức pháp chế của bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản theo các nội dung quy định...

Quy định như thế, nhưng vẫn cứ rối vì có người bảo, nhiều người đi xe ngồi mà nghĩ việc sửa xe nằm, thế mới khó

Đ. Trường
.
.
.