“Đẽo cày” giáo dục

Thứ Bảy, 30/08/2014, 11:26
Mấy hôm nay, đề án kéo dài thời gian đào tạo bậc THCS từ 4 lên 5 năm được “ra mắt”. Như thường lệ, dư luận lại nổi sóng.

Nhà khoa học thử nghiệm côn trùng, các vi sinh vật trong ống nghiệm, nếu thành công sẽ đem lại hiệu ứng mới, có thể là phát minh mới có ý nghĩa làm thay đổi đời sống xã hội. Ngược lại, nếu thất bại thì tất cả cũng chỉ khép lại trong ống nghiệm mà không ảnh hưởng đến ai, chỉ thử thách độ kiên trì, bền bỉ của họ. Thế nên cách làm của các nhà lý học, sinh học, hóa học... xưa nay là bằng sự cống hiến, kiên trì, bằng trí thức, sáng tạo để tìm tòi những phát minh mới mà nhiều lúc những tưởng rơi vào ngõ cụt. Mỗi một sáng tạo khoa học đều gắn với những tên tuổi không lẫn vào đâu được. Làm khoa học không phải chuyện mang cày ra đường đục đẽo để hậu quả là khúc gỗ chỉ còn lại que củi.

Ấy vậy nhưng giáo dục ở ta thì đang đi theo lối mòn của những người đẽo cày vốn ngự trị trong chuyện dân gian xa xưa.

Năm nào, giáo dục cũng có đề án này, dự án nọ, rồi ý tưởng gộp thi, thay sách, thay thiết bị dạy học, ý tưởng sửa bằng cấp, rút ngắn, kéo dài thời gian học, cách thức thi cử... Đại để là ý tưởng thì rất nhiều mà mỗi lần có ý tưởng như vậy, cả xã hội lại sôi sùng sục, cùng nhau bàn tán, kẻ nói xuôi, người kéo ngược, người thì thêm chỗ này, góp chỗ kia, rốt cuộc rối như tơ vò. Cái “cày” giáo dục theo đó không biết nên đẽo kiểu gì, dài ngắn ra sao, hình thù sao cho phải. Hậu quả là học sinh - đối tượng bị thử nghiệm lãnh đủ hậu quả, không phải một thế hệ mà có khi nhiều thế hệ, hàng triệu học sinh, sinh viên còn Nhà nước thì mất hàng nghìn, hàng vạn tỉ. Trong khi đó, tác giả những cuộc thử nghiệm không thấy quy trách nhiệm ra sao?

Với dự thảo Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đưa ra tại phiên họp, có một số nội dung đổi mới chưa thấy trong các thông tin được công bố trước đây. Theo đó, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, tờ trình đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Điều khiến dư luận quan tâm là trong tờ trình nhắc đến phương án cho giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện trong 2 năm học THPT. Với sự thay đổi trên, nhiều cán bộ, giáo viên THCS ở Hà Nội đã có những ý kiến khác nhau.

Đề án đã có, và đương nhiên, cuộc tranh luận bậc học phổ thông 12 năm như hiện tại hay rút còn 10 năm; bậc THCS 4 năm hay nâng lên 5 năm sẽ còn là chuyện đàm luận đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Đương nhiên, ai cũng có lập luận bảo vệ quan điểm của mình, nói theo góc độ khoa học là có luận cứ, luận điểm.

Trong khi đó, Bộ GD & ĐT đang trưng cầu ý kiến dư luận xã hội về dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, gồm 3 phương án. Điểm mới của các phương án đưa ra là kỳ thi có thể thi theo môn hoặc theo bài và kết quả của kỳ thi sẽ là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện tuyển sinh. Tới nay, phương án khả thi nhất chưa được công bố, nhà quản lý thì nói cái ưu nổi trội (đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và sẽ giảm được áp lực xã hội), còn hàng triệu học sinh là người sẽ lĩnh trọn cái gọi là đề án đổi mới đó.

Ý tưởng, đề án, lấy ý kiến và thử nghiệm... Vòng luẩn quẩn đó cứ lặp lại theo chu kỳ, có cái năm nào cũng đưa ra bàn. Đương nhiên, lĩnh vực nào để phát triển cũng cần đổi mới, ý thức xã hội phải “tua” theo tồn tại xã hội, thế mới đúng quy luật phát triển. Nhưng lĩnh vực như giáo dục mà đổi mới kiểu liên khúc như vậy thì hệ lụy quả khó lường. Tại sao như bộ sách giáo khoa, lẽ ra nó phải đảm bảo tính ổn định nhiều thế hệ, hàng chục năm, ấy thế mà cứ mỗi năm lại thêm một chút, bổ sung một chút, rồi dăm bảy năm lại thay, lại bỏ?

Có hai chuyện sau đây, đến bây giờ hàng triệu học sinh đã lãnh đủ hậu quả thử nghiệm giáo dục. Một là thử nghiệm thi giai đoạn cho hệ đại học vào những năm 1995-1999. Thời đó, sinh viên đỗ đại học phải qua gần 2 năm học đại cương, sau thi giai đoạn, còn gọi “vượt rào”. Ai thi đỗ thì học tiếp, thi trượt dừng ôn năm sau thi lại, nếu vẫn trượt thì... về vườn. Đề án được nói để thúc đẩy học sinh chăm chỉ học tập, kết cục là không biết bao nhiêu sinh viên chịu cảnh học 2 năm đại cương rồi cắp cặp về nhà, có em phải học tới... 4 năm trung cấp!. Thứ hai, chuyện thi tốt nghiệp ngoại ngữ. Bây giờ ngành giáo dục nói ngoại ngữ không cần thi bắt buộc vì trình độ chưa đồng đều, ấy thế nhưng hơn 20 năm trước, khi mà ngoại ngữ vừa chập chọe vào nước ta sau đổi mới thì lúc đó thi ngoại ngữ đã là bắt buộc. Như vậy là sau hơn 20 năm, ngoại ngữ lại tụt lùi về... thử nghiệm!

Đ.Trường
.
.
.