Đề xuất chế tài xử lý cán bộ nhũng nhiễu trong giải quyết “sổ đỏ”

Thứ Hai, 23/10/2017, 10:52
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, mặc dù đến hết năm 2013, cả nước đã căn bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc này, do những gì còn lại đều là phần khá phức tạp.

Sau khi “triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn” như lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xác định vướng mắc, lập đường dây nóng, sửa đổi nghị định để giải quyết vướng mắc xử lý đối với các trường hợp mua bán đất đai viết tay từ ngày 1-7-2004 đến 1-1-2008; quy định xử lý đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước đây; quy định giải quyết đối với trường hợp giấy tờ nhà đất của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sỹ làm nhà ở trước ngày 15-10-1993,... đến nay cả nước đã cấp được 96,6% diện tích cần cấp giấy chứng nhận với tổng diện tích trên 23,37 triệu ha các loại đất chính và trên 42,8 triệu giấy chứng nhận (tăng 1,7% so về diện tích và hơn 1 triệu giấy so với thời điểm cuối năm 2016).

Cán bộ nhũng nhiễu là một lý do khiến việc cấp sổ đỏ xảy ra tồn đọng. Ảnh minh họa: CTV.

Đối với diện tích đất chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận, các địa phương thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật để quản lý.

3,4% diện tích còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận, tồn đọng do 7 nguyên nhân: Do người dân chưa kê khai đăng ký chiếm 34,1%; do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1-1-2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất chiếm 10,7%; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ chiếm 5,4%; hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế chiếm 5,2%; đất lấn chiếm giao trái thẩm quyền không phù hợp quy hoạch chiếm 3,6%; chưa hoàn thành thủ tục báo cáo rà soát hiện trạng sử dụng đất chiếm 0,98%; còn lại là các trường hợp như: đất công ích nằm trong cùng thửa đất, sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, vướng trong xác định hạn mức đất ở...

Việc còn tồn đọng diện tích chưa hoàn thành cấp giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Do chưa thực hiện triệt để việc rà soát, sắp xếp, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

Nhiều trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích lớn như các nông trường, lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay đã cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc để bị lấn, chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác gây tranh chấp từ nhiều năm qua chậm được giải quyết. Đối với đất sản xuất nông nghiệp, vi phạm chủ yếu là tình trạng tự khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cán bộ nhũng nhiễu cũng là một lý do khiến việc cấp sổ đỏ xảy ra tồn đọng. Ảnh minh họa: NDH.

Nhiều nơi người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa hoặc cây hằng năm khác sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch được duyệt.

Đối với đất ở, tồn đọng do đất ở có nguồn gốc từ việc giao trái thẩm quyền nhưng chưa thực hiện việc bàn giao đất về địa phương để quản lý (cơ quan giao trái thẩm quyền còn tồn tại hoặc đã giải thể). Nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật như chuyển mục đích sử dụng trái phép, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công việc giải quyết phức tạp, đặc biệt là ở các đô thị.

Nhiều trường hợp mua bán nhà ở theo Nghị định số 61-CP ngày 5-7-1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở (nay là Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước) cần phải giải quyết xong thủ tục mua bán nhà mới giải quyết được thủ tục cấp giấy chứng nhận, trong khi đó việc giải quyết thủ tục mua bán nhà qua cơ quan xây dựng còn chậm trễ. Riêng Hà Nội còn khoảng 3.300 trường hợp được mua nhà ở tái định cư phải qua cơ quan quản lý nhà của Hà Nội nhưng chưa được giải quyết.

Quy định về hạn mức công nhận, hạn mức giao đất áp dụng tại một số địa phương còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn (Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa). Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là một cản trở việc cấp giấy chứng nhận do nhiều trường hợp số tiền phải nộp vượt quá khả năng của người sử dụng đất.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một số kiến nghị chính sách: Giảm hoặc miễn nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp đã thanh lý, hóa giá nhà trước ngày 15-10-1993 nhưng giấy tờ thanh lý không thể hiện việc nộp tiền sử dụng đất, thanh lý nhà có giá trị của đất; không thu tiền sử dụng đất với trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15-10-1993 (kể cả trường hợp không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất).

Đáng chú ý hơn, Bộ này đề xuất phải có chế tài xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận; chỉ đạo tổ chức triển khai việc thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Các địa phương cần rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp tồn đọng chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu theo từng loại đất và nhóm nguyên nhân và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về khối lượng tồn đọng và lý do chưa được cấp giấy chứng nhận.

Vũ Hân
.
.
.