Để thôi bị bất ngờ

Thứ Hai, 04/04/2005, 08:35

Không phải ai cũng có thể hiểu được rằng, cuộc sống luôn ẩn chứa và bùng phát những điều bất ngờ. Có những bất ngờ mang đến cho người này niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào; nhưng cũng có những bất ngờ lại đưa đến cho người khác, một tập thể khác, một địa phương, thậm chí cho một quốc gia khác những rủi ro, bất hạnh…

Hãy tưởng tượng là chúng ta tưởng mình đang sống yên bình tận hưởng niềm vui và làm việc trong một guồng quay như bao ngày bình thường khác, bỗng ở đâu đó xuất hiện những phán quyết của một cấp toà án quốc gia hoặc quốc tế trừng phạt ta một điều gì đó, yêu cầu ta phải bồi thường một khoản tiền khổng lồ và buộc ta phải thi hành trong thời hạn sớm nhất. Lúc ấy, chúng ta bỗng dáo dác hỏi nhau: Vì sao lại thế? Ví như câu chuyện thời sự được nhiều người bàn tán, quan tâm nhất trong thời gian qua là vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bị Toà án trọng tài thể thao quốc tế buộc bồi thường cho HLV Letard gần 3 tỉ đồng và câu chuyện sốt dẻo nhất Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho một luật sư người Italia khoảng 100 tỉ đồng.

Một lần nữa, nhiều người lại giật mình hỏi nhau: Vì sao lại thế? Câu trả lời sẽ trở nên giản đơn khi ai đó ngẫm thấy cái điều vốn đã thành chân lý: Vạn sự đều có lí do của nó. Vụ thứ nhất thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nộp xong khoản tiền gần 3 tỉ đồng cho ông Letard vì không có sự lựa chọn nào khác. Đó là hậu quả đau xót bắt nguồn từ việc VFF ký hợp đồng thuê ông Letard làm HLV trưởng cho đội tuyển bóng đá Việt Nam; rồi chính VFF lại sa thải ông này và vi phạm những điều khoản đã ký trong hợp đồng. Hành vi ấy  khác gì tay trái đánh vào tay phải “ký một đường, làm một nẻo”. Việc buộc phải "dốc hầu bao" chứng tỏ VFF đã sai khi sa thải ông Letard. Việc làm tùy tiện ấy, có thể trong nước và cấp trên của VFF không biết, hoặc giả có biết nhưng cười trừ, "thông cảm" cho qua, nhưng ở tầm quốc tế, Toà án trọng tài thể thao đã nhìn thấy rõ và "ra đòn" trừng phạt.

Còn vụ thứ hai liên quan đến Vietnam Airlines (VNA) lại bắt đầu từ năm 1992 khi VNA ký kết hợp đồng thuê Công ty Falcomar (Italia) làm đại lý của VNA tại Italia. Tiếp đó, Falcomar thuê luật sư Liberati để thực hiện một số công việc, nhưng sau đó ông Liberati bị sa thải và ông này đã kiện lên Tòa án Roma đòi Falcomar và VNA phải bồi thường. Tháng 11/1994, Toà án Roma gửi giấy triệu tập VNA tham dự phiên toà diễn ra vào 11/1995, nhưng VNA đã không có mặt tại phiên xử. Kết thúc phiên tòa, tòa án phán quyết VNA phải bồi thường cho ông Liberati khoảng 4,3 triệu euro. Đến khi luật sư Liberati gửi thư yêu cầu trả tiền, cũng là thời điểm hết hạn kháng cáo và khi tài khoản của VNA bị phong tỏa ở Pháp thì VNA mới biết và đang tìm cách xử lý công việc.

Hai vụ việc nêu trên ở hai thời điểm, tất nhiên là khác nhau về bản chất, nhưng dường như cùng giống nhau ở một điểm, ấy là chúng ta ngày càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn trong một sân chơi bình đẳng khắc nghiệt ở tầm quốc tế. Vụ thứ nhất thì rõ ràng VFF ký hợp đồng bị “hở sườn”, còn vụ thứ hai biết đâu khi VNA ký với Công ty Falcomar có thể để lọt một chi tiết nào đấy gây bất lợi cho ta mà không biết, để người thứ ba là luật sư Liberati đã “bắt mạch” để khởi kiện. Cả hai vụ trên, mọi rắc rối sẽ không xảy ra nếu như trước khi đặt bút ký, có một tài năng ở bậc thông tuệ, có tầm hiểu biết rộng về luật pháp quốc tế làm mưu sĩ, tính trước tính sau, lấy an toàn, chủ động cho ta làm trọng.

Qua rồi cái thời nếu sai thì tự "đóng cửa bảo nhau". Chúng ta buộc phải ra chơi ở sân lớn của thế giới để làm ăn, phát triển đất nước. Vì thế mà dường như mọi động thái của chúng ta đều được soi rọi bởi hàng ngàn và vô số các điều luật quốc tế. Chỉ cần một cú "sảy chân" là có thể dẫn tới sạt nghiệp, mất trắng và mất lớn.

Khoan hãy nói đến vấn đề trách nhiệm, nhưng trước hết muốn chơi được ở sân lớn này buộc chúng ta phải có nhiều người tài đủ sức đàm phán, tham gia đảm nhận những công việc có tính chất quốc tế hóa, chấp nhận một cách chơi sòng phẳng, bình đẳng. Nhưng người tài bao giờ cũng ít, lại có cá tính, thậm chí có những cá tính có thể gây "khó chịu" cho những người khác. Vì thế mà sử dụng người tài không dễ chút nào, phải có nghệ thuật và biết chấp nhận cả những phát kiến và cá tính độc đáo của họ.

Ai đó đã nói rất đúng rằng, một người tài có thể "kéo theo", lo cuộc sống cho hàng ngàn, hàng vạn người bình thường khác. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra bất ngờ trong quan hệ, làm ăn với quốc tế, không có con đường nào khác là phải sử dụng những người thực tài. Họ mới là người giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia vươn ra được thế giới

Hồng Thái
.
.
.