Thảo luận dự thảo Luật Phòng cháy và chữa cháy (sửa đổi, bổ sung):

Đề nghị trang bị trực thăng chống cháy trong trường hợp khẩn cấp

Thứ Ba, 28/05/2013, 22:58
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy nổ. Nhiệm vụ phòng ngừa vẫn là quan trọng hàng đầu, không để xảy ra cháy rồi mới đi… dập lửa. Để mang lại hiệu quả cao, phải xã hội hóa công tác này. Đa số các đại biểu đã bày tỏ quan điểm tại buổi thảo luận tổ sáng 28/5.

1. Thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Cha ông ta đã nói “nhất thủy, nhì hỏa”, cháy nổ gây ra thiệt hại khôn lường, không chỉ là tài sản bị thiêu hủy mà đe dọa cả tính mạng con người.

Một số đại biểu cho rằng, trên thực tế đã làm được nhiều việc nhưng kết quả không như mong muốn. Đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân đòi hỏi rất cao, không thể để thiệt hại về tính mạng và tài sản người dân.

“Trên thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ lớn xảy ra thời gian qua, trong đó có nguyên nhân là do yếu kém”, đại biểu Đinh Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đánh giá. Ông cho rằng, để xảy ra cháy nổ là do chưa quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Ví dụ như để xảy ra cháy rừng là do chưa quy định trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh đó, huyện đó… Công tác thanh tra kiểm tra chưa tốt, còn coi thường công tác phòng ngừa. Chỉ khi xảy ra rồi mới đi điều tra làm rõ nguyên nhân cháy, nổ…

Một số đại biểu cho rằng, các quy định chưa cụ thể, ràng buộc, và chưa có chế tài xử lý. Vì thế họ coi thường, để mặc cho lực lượng chuyên trách “loay hoay”, người dân đứng ngoài cuộc, công chức cũng đứng ngoài cuộc.

Một số đại biểu phân tích, bên cạnh đó cách tổ chức chữa cháy tại chỗ chưa tốt. Có lẽ do cơ chế nên các cơ sở chuyên trách như tổ dân phố, xã, phường cũng ít quan tâm.

Có đại biểu lo lắng, việc đầu tư xây dựng cơ bản cho phòng cháy, chữa cháy chưa nhiều, chưa chặt chẽ. PCCC là của toàn dân, phải có nguồn lực xã hội, cả tổ chức bộ máy quản lý nhà nước. Nếu riêng UBND thì không thể mang lại hiệu quả, vì họ bận lu bù nhiều việc khác.

Một số ý kiến khẳng định: “Phải quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu (phường, xã, huyện, tỉnh, doanh nghiệp…). Và phải quy định cụ thể phương án, không thể hành chính chung chung. Vì đó là sinh mạng và tài sản người dân…

2. Xác định nghĩa vụ phòng cháy như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm

Luật PCCC ra đời từ năm 2001 đến nay, công tác PCCC đã có rất nhiều cố gắng. Ngày 4-10 hằng năm là ngày PCCC của toàn dân. Ở địa phương là sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tình hình cháy nổ xảy ra trên phạm vi cả nước nhiều, gây hậu quả lớn. Lực lượng Công an đã rất cố gắng, nhưng PCCC mới chỉ dừng ở mức độ nhận thức, bình thường thì ít người quan tâm, chỉ khi xảy ra cháy nổ mới… cuống lên.

Một số ý kiến đã nêu về sự thờ ơ của người dân trong phòng, chống cháy nổ. “Khi cháy mới mang máy móc đi chữa không phải là tốt, mà phải chú trọng phòng ngừa”, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) lo lắng. Ở nhiều chợ lớn tầm cỡ mà khu chữa cháy còn sơ sài, đầu tư phương tiện còn ở mức hạn chế.

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm, phòng ngừa là quan trọng. Phải phòng từ gia đình, cơ quan, đơn vị. Còn khi đã xảy ra cháy thì đương nhiên là huy động lực lượng PCCC.

“Có trường hợp phòng phải mang tính bắt buộc, giống như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”, nhiều đại biểu trăn trở với những biện pháp phòng ngừa. Phải thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra phương tiện. Có điều khoản cần cân nhắc (khoản 3, điều 5) ghi chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra PCCC trong phạm vi trách nhiệm của mình. Điều này là rất khó khăn đối với chủ hộ gia đình là cụ già, mà nên ghi “các thành viên gia đình” và phải bắt buộc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Một số đại biểu nêu tình huống: ở chung cư mà tầng dưới cháy là gay go rồi. Có gia đình dùng bếp ga rất bất cẩn, nguy hiểm luôn rình rập. Vì vậy nên ủng hộ các bắt buộc nghĩa vụ với cộng đồng. Ngoài hướng dẫn phải tham gia tập huấn, nghe cán bộ PCCC hướng dẫn thì bản thân từng người mới hiểu thấu đáo của việc phòng ngừa. 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

3. Xã hội hóa PCCC

“PCCC là của toàn dân, mỗi người, mỗi nhà, cả cộng động và toàn xã hội, không riêng một lực lượng nào. Lực lượng PCCC thì giải quyết tình huống khi cháy nổ xảy ra” - đa số đại biểu đồng tình với ý kiến trên.

Thực tế, có nhiều nơi như chợ, doanh nghiệp… các phương tiện chữa cháy rất sơ sài. Bắt buộc khi xây dựng công trình, thiết kế nhất thiết phải có thiết bị phòng cháy. Hiện nay, đầu tư phương tiện còn hạn chế.

“Lực lượng PCCC chính quy 3 tỉ mới có một xe hiện đại. Nhiều địa phương dùng xe chữa cháy cũ kỹ, xe mới chỉ ở một số thành phố lớn và một số địa phương có tiềm lực kinh tế”, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho biết. Trong khi đó, ở địa phương ở các khu kinh tế, khu công nghiệp phương tiện còn rất yếu, còn khu dân cư thì hầu như không có, mà việc chấp hành luật PCCC rất yếu.

Một số đại biểu lo lắng PCCC với nhà máy điện hạt nhân (điều 24) đây là cái mới. Vì vậy, cần phải có phương án, giải pháp cụ thể, cấp có thẩm quyền quản lý và phải thiết kế lại điều này.

Ông Dân kiến nghị, trong lực lượng Công an có 8 địa phương có sở PCCC, hoạt động độc lập với Công an. Vì vậy phải phối hợp PCCC giữa các địa phương liền kề với nhau. Nên quy định trong luật tăng cường phương tiện. Có ý kiến đề nghị, cần tổ chức lực lượng chuyên trách trong tình hình mới, xây dựng lực lượng chuyên trách gắn với địa phương, chính quyền địa phương để chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện điều hành.

Và, lực lượng cảnh sát PCCC chuyên trách được tổ chức trong Luật PCCC chứ không theo Luật CAND. Bộ Công an chỉ quản lý Nhà nước, còn giao chính quyền địa phương chỉ đạo. Về phương tiện trang bị PCCC cần hiện đại hơn (như trực thăng) vì có khu xe không vào được… Phối hợp với Quân đội tham gia PCCC, vì Quân đội có nhiều thiết bị mà bên Công an không có…

Đề xuất giảm 50% thuế VAT từ 1/7/2013

Chiều 28/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đọc tờ trình về Luật Bảo vệ thực vật và thảo luận về sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng.

Trong buổi thảo luận, đã có 10 đại biểu phát biểu tại hội trường, trong đó đa phần các ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế VAT và tán thành nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ.

“Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu yêu cầu cần sửa đổi bổ sung luật, tuy nhiên một số đại biểu yêu cầu cần hướng tới mục tiêu Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, lưu ý tính khả thi, tính bền vững của luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận.

Về quy định trong Khoản 1, Điều 8, Luật thuế GTGT quy định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nội địa vào khu phi thuế quan) được áp dụng thuế suất 0%, trừ một số trường hợp cụ thể (tài nguyên, khoáng sản chưa qua chế biến xuất khẩu; dịch vụ bưu chính, viễn thông; chuyển giao công nghệ;...) không được áp dụng thuế suất 0%, các đại biểu cho rằng nên xác định rõ tài nguyên khoáng sản đã chế biến ở mức nào, để tránh việc xuất quặng thô, đặc biệt là các quặng cần thiết ra khỏi đất nước.

Một điểm khác được rất nhiều đại biểu quan tâm là Dự án Luật quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng nếu quy định như vậy sẽ nảy sinh một số vấn đề như doanh nghiệp bất động sản sẽ chia nhỏ căn hộ, ảnh hưởng đến kết cấu ban đầu, công năng, chất lượng của tòa nhà. Việc này sẽ làm tăng cao mật độ dân cư trong khu vực, phá vỡ quy hoạch, khó quản lý an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sinh hoạt lâu dài của các hộ dân.

Thêm vào đó, quy định như trên sẽ nảy sinh bất bình đẳng khi mua nhà ở các TP lớn mới được hưởng chính sách, còn ở các tỉnh khác lại không được ưu đãi

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.