Bao giờ tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam?

Thứ Bảy, 17/09/2016, 16:05
"Tại thời điểm này không đưa ra mục tiêu tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng nếu không phấn đấu ngay từ bây giờ, đưa ra kế hoạch, mục tiêu triển khai thì sẽ không thể nào đạt tới mục tiêu đó.." - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết.




Ngày 17-9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ (NN) trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia (NNQG) 2020). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành giáo dục tập trung tìm giải pháp để việc dạy và học NN hiệu quả.

“Việc dạy và học NN trong thời gian qua có nhiều kết quả, nhưng có thể thấy, nhiều nơi chưa nhận thức đúng vai trò của đề án; nhiều mục tiêu đặt ra quá cao so với thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, không bám sát thực tế, làm lãng phí đầu tư, hiệu quả dạy và học hạn chế, thể hiện rõ nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua. 

Hiện nay, tài liệu dạy học tiếng Anh trong nhiều trường tiểu học rơi vào tình trạng “trăm hoa đua nở”.

Trong điều kiện kinh phí khó khăn mà chúng ta dùng tiền không đúng, không hiệu quả sẽ gây bức xúc”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu bất cập.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để nâng cao chất lượng dạy và học NN, vấn đề quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên chuẩn thì lại không chú trọng đầu tư, hoặc đầu tư chưa thỏa đáng, khiến chất lượng dạy và học thấp... Dạy và học NN hiện nay quá chú trọng hàn lâm. Dạy và học NN phải hướng về đại chúng, thực hành, ứng dụng, chứ không phải để thi, luyện thi. 

Ngay trong năm học này, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung vào việc rà soát, củng cố, nâng cao kỹ năng dạy NN của giáo viên; các mục tiêu đề ra phải bám sát  năng lực thực tế của giáo viên. Các địa phương rà soát số lượng giáo viên, đối chiếu chuẩn giáo viên, đặc biệt coi trọng công tác đào tạo lại.

“Tại thời điểm này không đưa ra mục tiêu tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng nếu không phấn đấu ngay từ bây giờ, đưa ra kế hoạch, mục tiêu triển khai thì sẽ không thể nào đạt tới mục tiêu đó. Singapore họ mất 38 năm với lộ trình triển khai bền bỉ để sử dụng tiếng Anh như một NN thứ 2. Chúng ta cũng cần phải đặt mục tiêu phấn đấu”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Đề án NNQG 2020, trong đó khó khăn vẫn là áp lực lớn ảnh hưởng tới hiệu quả bền vững của Đề án.

Các địa phương đã đề xuất Ban Quản lý Đề án NNQG 2020 nên chỉ đạo dạy và học NN theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn. Nhanh chóng hình thành trung tâm khảo thí quốc gia; nên chọn chuẩn châu Âu làm chuẩn, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập TPP và cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, cần có thay đổi trong kiểm tra, đánh giá môn NN, nhất là trong đề thi THPT quốc gia hiện nay. Trước khi xác định lại chuẩn đầu ra chung trong cả nước về năng lực NN cho học sinh ở các vùng miền khác nhau, nên tiến hành rà soát, khảo sát đầu ra theo chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cho học sinh Việt Nam.

Định hướng dạy và học NN từ nay đến năm 2020 có một số thay đổi lớn, trong đó đến năm học 2020 – 2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh lớp 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Phấn đấu đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% học sinh trường cao đẳng đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường đại học triển khai đào tạo các chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn. Phấn đấu vào năm 2020, 40% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3…
Thu Phương
.
.
.