Đâu là ngưỡng của việc khai thác đời tư trên báo chí?

Thứ Sáu, 08/11/2019, 10:41
Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề nhiều cơ quan báo chí đưa tin quá cụ thể về thông tin đời tư trong các vụ án nghiêm trọng và đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp.


Chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ đoàn Hoà Bình nêu, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được bảo vệ bởi Hiến pháp, song có hiện tượng một bộ phận báo chí gần đây khai thác quá mức đời tư trong các vụ án, gây bất lợi, thậm chí nguy hiểm tính mạng cho các cá nhân.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thuỷ.

Bà Thuỷ đặt vấn đề liệu có cần ban hành luật bảo vệ bí mật đời tư trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Thắc mắc trên cũng được đại biểu Lê Thị Nguyệt chia sẻ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết cần xác định đâu là ngưỡng có thể chấp nhận được trong khai thác đời tư, đâu là ngưỡng đã vượt quá.

"Khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mạng của mình là vì lợi ích cộng đồng", Bộ trưởng Hùng nói và cho biết sẽ cùng Hội nhà báo tăng cường giáo dục, nâng cao trách nhiệm của phóng viên với xã hội.

Cũng theo ông Hùng, việc khai thác đời tư này cũng liên quan đến câu chuyện "câu view", nhất là trên các tạp chí, trang tin điện tử. Sắp tới, Bộ sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Chưa hài lòng, bà Hương Thuỷ tiếp tục tranh luận và cho rằng nguyên nhân Bộ trưởng Hùng nêu ra "có vẻ như rất đơn giản". Bà muốn Bộ trưởng trả lời rõ về việc tạo ra một hành lang pháp lý mới trong quản lý khi đưa thông tin cá nhân bí mật đời tư lên báo.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Thuỷ, ông Hùng nói "chắc chắn Việt Nam cần có luật về bảo vệ thông tin cá nhân", việc mà không ít nước đã làm. Trước mắt, một Nghị định quản lý vấn đề này sẽ được ban hành.

Cũng liên quan đến thông tin cá nhân, ông Hùng cho biết mỗi người cũng cần ý thức bảo vệ thông tin của chính mình. Lấy ví dụ khi đi mua hàng, ông Hùng kể "cách đây một tháng, tôi đi làm cái kính thì cửa hàng để họ cũng đề nghị 'thôi anh điền vào đây là tên của anh, địa chỉ nhà anh, số điện thoại nhà anh, nghề nghiệp của anh'". Từ đó, ông Hùng chỉ ra "chúng ta quá dễ dãi trong cung cấp thông tin cá nhân".

Về pháp lý, ông thừa nhận chưa có chế tài quy định việc doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân ra sao, bảo mật thế nào, trường hợp nào được cung cấp... Ông thông tin Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng Nghị định để quản lý.

Thiên Minh - Thu Thuỷ
.
.
.