Việc Hãng AP tố cáo Chính phủ Mỹ trộm dữ liệu điện thoại:

Đạo lý chính trị trong nhân quyền

Thứ Năm, 16/05/2013, 23:34
Về mặt đạo lý, những người nhân danh bảo vệ “giá trị Mỹ”, mang sẵn thiên kiến với “chính quyền Cộng sản” đã áp dụng “chuẩn mực kép” (applying double standards) đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được.

Khổng Tử có một danh ngôn mà cả phương Đông và phương Tây đều ngưỡng mộ, đó là “Điều gì mình không muốn thì không nên áp dụng cho người khác”. Trong quan hệ quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, điều này có nghĩa, những vấn đề nhân quyền trong nước mà người dân đang bức xúc, luật pháp quốc gia không cho phép mà ở trong nước chưa giải quyết được thì không nên rao giảng cho các quốc gia khác. Đó là đạo lý chính trị của nền văn minh nhân loại.

Vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, người ta được biết: “Associated Press (AP) tố cáo chính phủ Mỹ ăn trộm dữ liệu điện thoại” với nội dung: Chính quyền Mỹ đã tìm cách nắm thông tin về các nguồn tin mật của AP. Hãng này lên án chính phủ Hoa Kỳ bí mật thu thập dữ liệu các cuộc gọi của phóng viên của họ và xem đây là “sự xâm phạm ở quy mô lớn và chưa từng có”. Bản tin này còn nói rõ: Hôm thứ sáu, ngày 10/5/2013, Giám đốc Điều hành của hãng, ông Gary Pruitt, nói hãng tin của ông đã được cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu các cuộc gọi đi từ hơn 20 đường dây… Phản ứng về vấn đề này, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Darrell Issa, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.`

Thượng nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện thì nói: “Tôi rất phiền lòng trước những cáo buộc này và muốn nghe lời giải thích từ chính phủ”. Còn Liên đoàn Quyền công dân Mỹ thì xem đây là hành vi chính quyền “uy hiếp báo chí”.

Liên quan đến câu chuyện trên, người ta nhớ đến quyền giữ bí mật cá nhân ở Anh. Vừa qua, Chính phủ Anh bị Tổ chức Privacy International (Tổ chức Bảo mật Quốc tế) kiện ra Tòa án Tối cao ở London (16/3/2013) về việc một số quan chức Anh liên quan đến Công ty Gamma International - bị tố cáo là đã bán công nghệ theo dõi cá nhân cho một số chính phủ mà người ta gọi là “độc tài” như Bahrain, Ethiopia, Turkmenistan...

Việc cá nhân hay cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ, Anh quốc có vi phạm pháp luật về quyền con người hay không? Vì sao họ làm như vậy? Điều này hãy để các cơ quan pháp lý và người dân ở các quốc gia đó trả lời. Song về mặt đạo lý, những người nhân danh bảo vệ “giá trị Mỹ”, mang sẵn thiên kiến với “chính quyền Cộng sản” đã áp dụng “chuẩn mực kép” (applying double standards) đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được. Chẳng hạn trong các báo cáo, nghị quyết, dự luật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó người ta lên án, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí. Thậm chí có người cho rằng: Chính quyền Hà Nội bắt bớ, cầm tù nhiều người dựa trên những điều luật “mơ hồ” và họ đòi xóa bỏ Điều 88 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”; Điều 79 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam.

Điều đáng tiếc là trong những báo cáo, dự luật, nghị quyết, điều trần, người ta đã cóp nhặt những thông tin đã bị bóp méo, xuyên tạc làm căn cứ.

Trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, dân chủ, nhân quyền đang là một vấn đề cần giải quyết, nhưng đó không phải là một trở ngại không thể vượt qua. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân Việt Nam. Hoa Kỳ có thể đóng góp thiết thực hơn để giải quyết những vấn đề nhân quyền trong “tầm tay” của mình: chẳng hạn, Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn vào việc giúp đỡ nạn nhân chất độc dioxin/da cam; xóa bỏ rào cản thương mại cho cá basa Việt Nam được tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng.

Thiết nghĩ, những nỗ lực của Việt Nam có thể xem là “đủ” đối với những người có thiện chí, thật sự  mong muốn Việt Nam thịnh vượng, người dân được hưởng các quyền con người một cách thiết thực. Tất nhiên, điều đó sẽ không bao giờ là “đủ” đối với những người luôn mang sẵn định kiến đối với “chính quyền Cộng sản Việt Nam”, hy vọng dùng áp lực chính trị, kinh tế và các thủ đoạn khác hòng xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu, đưa Việt Nam sang con đường khác

N.H.
.
.
.