Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”:

Đảng phải được xây dựng mạnh về mọi mặt

Thứ Bảy, 23/03/2013, 18:35
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong Điều 4 đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, đó là niềm tin, ý chí và nguyện vọng của mỗi người dân Việt Nam ta.

Gần đây, bên cạnh đại đa số những ý kiến phát biểu nhất trí đồng tình với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi thì cũng có những ý kiến chính danh, mạo danh và của các thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp, nghĩa là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tuy chỉ là một số ít nhưng những ý kiến này được các thế lực thù địch thổi phồng làm nóng lên trong một bộ phận xã hội. Nhiều bài viết đã phân tích, phê phán và vạch rõ những mưu toan hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thực ra không phải chỉ dịp này mà đã từ mấy chục năm nay, cứ mỗi khi trên đất nước ta diễn ra những sự kiện chính trị lớn, mỗi khi đất nước đứng trước khó khăn thách thức thì các thế lực thù địch thường tung ra các “bài ca lạc điệu” này. Có thời điểm đáng chú ý như sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, chúng hô hào xóa ngay những nước XHCN còn lại, tung ra các luận điệu “giật gân” như chế độ XHCN ở các nước này được chúng tính bằng ngày.

Trớ trêu thay, thực tế đã hoàn toàn ngược lại với những ảo tưởng của chúng. Do vậy, đối với những quan điểm đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng lần này cũng chỉ là những quan điểm cũ rích, xa lạ đối với nhân dân ta, với đất nước ta - một đất nước mà đã có trên 80 năm Đảng và nhân dân gắn bó máu thịt với nhau để làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã cụ thể hơn về nội dung yêu cầu Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Bên cạnh khẳng định bản chất ưu việt, sứ mệnh lịch sử, dự thảo còn nêu rõ trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Những nội dung ấy chính là đã phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, thể hiện rõ hơn bản chất cầm quyền của Đảng ta là Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuy vậy theo tôi cần phải bổ sung thêm một nội dung nữa trong điều 4 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Nội dung đó là: ĐẢNG PHẢI ĐƯỢC XÂY DỰNG VỮNG MẠNH VỀ MỌI MẶT ĐỂ LÀM TRÒN TRÁCH NHIÊåM LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI.

Điều này đặt ra rất cần thiết không chỉ xuất phát từ yêu cầu trước mắt mà còn là một đòi hỏi lâu dài. Yêu cầu trước mắt: như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng) đã nêu, khắc phục những biểu hiện suy thoái hiện nay trong Đảng đang là một vấn đề lớn của Đảng vì nó chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sinh mệnh của Đảng. Nhưng yêu cầu về lâu dài mới là quan trọng.

Lãnh đạo một đất nước với gần trăm triệu dân, một đất nước có truyền thống Anh hùng để đứng lên ngang hàng với những cường quốc trên thế giới là một việc hết sức khó khăn. Trong tình hình bối cảnh quốc tế có những thuận lợi và những khó khăn thách thức xen kẽ, những vấn đề về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, những xung đột, nguy cơ bất ổn và diện mạo những cuộc chiến tranh hiện đại không cho phép chúng ta chủ quan.

Trước tình hình đó, yêu cầu Đảng ta phải có trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, nhanh nhạy, phải có một đội ngũ đảng viên thật sự gương mẫu, tiên phong, thật sự phải có đạo đức thì mới có khả năng lãnh đạo đất nước vừa ổn định vừa phát triển đi lên nhanh chóng và bền vững.

Việc xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt không phải chỉ làm trong một giai đoạn mà là thường xuyên liên tục và ráo riết. Trách nhiệm đó trước hết là của Đảng. Đảng phải chăm lo rèn luyện, không ngừng trau dồi về mọi mặt, trong đó tính gương mẫu và phẩm chất đạo đức là những nhân tố mang tính quyết định. Mặt khác đó cũng là trách nhiệm của nhân dân đối với Đảng.

Đảng ta đã hơn 80 năm gắn bó máu thịt với nhân dân thì những kỳ vọng và tâm huyết của nhân dân để xây dựng Đảng là một tiềm năng rất lớn, một khả năng hiện thực rất cao. Vấn đề ở chỗ là Đảng phải tổ chức tốt sự tiếp thu đó và thể hiện nó bằng hiệu quả lãnh đạo của mình

P.V.T.
.
.
.