Đảng nâng cao sức chiến đấu, củng cố niềm tin bằng hành động thực tiễn

Thứ Ba, 25/12/2018, 06:16
Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dự kiến sẽ nghiên cứu thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó hội nghị cho ý kiến về báo cáo công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; việc quy hoạch Ủy viên BCH Trung ương khóa tới và lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư...

Tới nay, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Năm 2018, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp; trong nước bên cạnh thuận lợi là cơ bản, còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn vững vàng, thống nhất ý chí và hành động, tỏ rõ bản lĩnh kiên định và sáng tạo, có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Những kết quả đó có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Dự báo, đến hết năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển được bảo đảm...

Riêng công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.                     

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế dự luận quan tâm được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020. Những thành quả đạt được là thực tiễn sống động khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành.

Trong thời gian qua, nhiều quy định mới được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhằm nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Điển hình như Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc ban hành Quy định nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nền nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, qua đó góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hội nghị lần này dự kiến cũng sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, theo Quy định số 262-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều ý kiến khẳng định, đây là việc làm cần thiết nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đồng thời góp phần đánh giá chính xác chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn chuẩn bị cho việc quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới. 

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, lấy phiếu không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay mà lấy phiếu cốt là để cán bộ “thấy sai để sửa, thấy khuyết điểm để rút kinh nghiệm, thế mới tốt và nhân văn”. “Tôi nói nhiều lần rồi, kể cả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng thế, xử lý một vài người để cứu muôn người, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Bác Hồ cũng nói chặt một cái cành để cứu cả cây. Tốt nhất là không phải chặt, dùng thuốc chữa được thì cố gắng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Do đó, từ việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cũng như trong Đảng, chúng ta cần có cách nhìn đúng đắn về nội dung, ý nghĩa, mục đích, tránh các luận điệu xuyên tạc, đả phá của các thế lực thù địch.

Một nội dung quan trọng Hội nghị Trung ương 9 rất coi trọng là công tác quy hoạch Ủy viên BCH Trung ương khóa XIII. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương: Trên cơ sở nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và kế thừa những kinh nghiệm quý báu, cách làm của các nhiệm kỳ trước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11- KH/TW về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản. Một là, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng. 

Bộ Chính trị khóa XII đã xác định, cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, theo phương châm “làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó” với lộ trình cụ thể như sau: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9 và sau đó sẽ tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch. 

Hai là, đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược. 

Ba là, cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo Quy định 90- QĐTW của Bộ Chính trị khóa XII về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông. 

Bốn là, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đ.Minh
.
.
.