Đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng, hoàn thiện thể chế

Thứ Ba, 08/01/2019, 18:06

Ngày 8-1, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.


Trong năm 2018, Bộ Tư pháp đã quyết liệt cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp với tỷ lệ cắt giảm là 52,13%. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 2 bậc xếp thứ 4/19, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử xếp thứ 3/19. 

Về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 với tỉ lệ 100% đại biểu tán thành. 

Bộ đã thẩm định 246 dự thảo, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 731 dự thảo và 6.081 dự thảo do các sở, phòng tư pháp thẩm định. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018-2022. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao như thi hành xong 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,3% với số tiền hơn 34.500 tỷ đồng…. 

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019; giúp Chính phủ tổ chức tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020; đánh giá 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án sửa đổi, bổ sung các luật; triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 và Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận các thành tích mà Bộ Tư pháp đã đạt được, đánh giá cao hoạt động toàn diện, trách nhiệm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số vấn đề ngành tư pháp cần khắc phục như sau: Công tác xây dựng thể chế bất cập, văn bản chưa theo kịp thực tế, thiếu tính khả thi, còn tình trạng nợ đọng, xin rút xin lùi. 

Nhiều vụ việc thanh tra điều tra ở nhiều bộ ngành địa phương cho thấy các vi phạm trong quản lý nhà nước. Điều này cho thấy cán bộ pháp chế, tư pháp với trách nhiệm “gác gôn” về pháp luật đã làm hết trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo hay chưa? 

Có vấn đề gì trong cơ chế tham mưu của cán bộ pháp luật hay không? Vấn đề nhờn luật đang diễn ra phổ biến, ngành tư pháp có giải pháp đột phá nào đưa ra những biện pháp để nâng cao thực thi pháp luật hay chưa? Hoạt động một số nghề bổ trợ tư pháp còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, bộc lộ nhiều bất cập. 

Vấn đề giám định tư pháp còn nhiều tồn tại nhất là giám định tài sản phục vụ các vụ án tham nhũng lớn. Việc tham gia tranh tụng quốc tế đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn bị động. Lượng án dân sự chưa có điều kiện thi hành qua các năm có dấu hiệu tăng, kết quả nhiều nhưng thu hồi tài sản còn thấp. Công tác sắp xếp kiện toàn bộ máy cán bộ ở địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa thống nhất. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Cần phải xác định là cơ quan “nhạc trưởng” đảm bảo tính thống nhất, tính hợp lý vấn đề nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp. Đôn đốc, chủ trì hướng dẫn thực hiện những công việc trong Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh đúng tiến độ. Đào tạo cán bộ có trình độ tham gia các vụ việc quốc tế. 

Làm tốt hơn, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, phù hợp với dân trí nước ta tại các vùng miền. Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ tư pháp cần được rà soát, phương châm tư pháp hướng về cơ sở, gần dân vì dân cần được đặt ra rõ nét hơn. Coi trọng xây dựng Đảng, giáo dục chính trị, nâng cao năng lực, phẩm chất…của đội ngũ cán bộ. Cuối cùng, các bộ ngành địa phương quan tâm hơn nữa đến cán bộ pháp chế, tư pháp, nhiệm vụ nặng nề nhưng chính sách còn nhiều hạn chế.


Mai Hương
.
.
.