Đại biểu lo ngại hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 05/10/2016, 16:07
Sáng nay, 4-10, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản được nhiều đại biểu đề cập.


Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, tính đến tháng 9-2016, đã có 2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Song điều lo ngại chính là số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát

“Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, tuy nhiên, các địa phương nợ đọng XDCB vẫn lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Theo ông, tổng số xã có nợ đọng là 3.637 xã (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước). Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31/1/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 62,5% tổng số nợ đọng). Mức bình quân nợ đọng của các xã đạt chuẩn khoảng 6,24 tỷ đồng/xã…

Góp ý vào báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng phải chỉnh sửa linh hoạt bộ tiêu chí, tránh máy móc, rập khuôn bởi vì đối chiếu với bộ tiêu chí nhiều nơi lãnh đạo nhụt chí, nhất là vùng sâu, vùng xa. “Nhiều nơi tư tưởng nóng vội, làm cho được nhưng chất lượng không cao, lo ngại sẽ giống kiểu tái nghèo”, ông lưu ý việc xây dựng nông thôn mới phải tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thừa nhận hiện chúng ta đang nóng vội và có bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới. “Như Nhật Bản phải mất 70 năm, Hoa Kỳ mất 100 năm mới có được nông thôn mới. Ta mới 5 năm cần phải kiên trì, và cần phải xác định đây là sự nghiệp lâu dài”, ông nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề nợ đọng XDCB, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại lo ngại nảy sinh phong trào đi vay nợ xây dựng nông thôn mới để được công nhận đạt chuẩn. “Có ý kiến cho rằng, khoản nợ 15.000 tỷ đồng không phải lớn, khoản nợ này nếu được đầu tư cho XDCB thì lành mạnh, nhưng không lành mạnh đối với nền tài chính quốc gia. Tức là nợ XDCB chưa xử lý xong, bây giờ do cố gắng xây dựng nông thôn mới lại nợ tiếp”, bà nêu.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, nếu sắp tới kiến nghị ngân sách nhà nước có trái phiếu hay nguồn đầu tư công lại ưu tiên trả nợ thì sẽ không công bằng, hợp lý, sẽ bất công với những xã khác. “Tức là nếu như thế chẳng khác gì bảo họ cứ vay nợ đi, đầu tư đi rồi sẽ được xử lý. Còn nếu để tự mỗi địa phương phải nỗ lực tìm đường giải quyết thì chưa thấy đoàn giám sát chưa có kiến nghị”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến về báo cáo

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, điểm mấu chốt trong vấn đề nợ đọng XDCB là chưa rõ ràng về khả năng và nguồn vốn trả nợ. “Có xã nợ hơn 100 tỷ đồng thì không biết sau này lấy nguồn nào để trả nợ?”, ông nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu để trả nợ khi việc bán đất ở các xã về cơ bản đã xong rồi. “Bây giờ kiến nghị không công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các địa phương để nợ đọng XDCB thì có hợp lý không? Tiêu chí phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 liệu có khả thi không? Cần những đánh giá thật khoa học, khách quan”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu. Đồng thời ông đề nghị nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới phải có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên, tránh dàn trải.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Uỷ ban Kinh tế chủ trì, cùng Đoàn giám sát và các bộ, ngành tập trung hoàn chỉnh Nghị quyết để có căn cứ pháp lý tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Q.Vinh
.
.
.