Đại biểu đề nghị bỏ quy định giám định hàm lượng tinh chất ma túy

Thứ Tư, 26/10/2016, 14:54
Cho rằng tội phạm ma túy là “tội phạm của mọi loại tội phạm” và đang có diễn biến hết sức phức tạp, chứng tỏ tính nghiêm minh của pháp luật đang có vấn đề, rất nhiều đại biểu đã tranh luận xung quanh quy định giám định hàm lượng ma túy. Theo các đại biểu, quy định này vừa gây ách tắc trong quá trình xử lý, vừa không công bằng về chính sách hình sự.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy cho biết: Tại khu vực miền núi phía Bắc, án ma túy chiếm phần lớn, việc giải quyết gặp khó khăn vì chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết việc giám định hàm lượng.

Ngay từ trước khi Bộ Luật Hình sự 2015 được ban hành, việc giám định hàm lượng đã là một khó khăn, vướng mắc. Đại biểu nêu ví du, thực hiện Công văn 234 (ngày 7-9-2014 của Tòa án nhân dân tối cao), quy trình tố tụng bắt buộc phải giám định hàm lượng ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội. Trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng tinh chất ma túy, gây khó khăn, ách tắc nhiều vụ án đang giải quyết, không khởi tố được. Đại biểu cho rằng, công văn này có nội dung việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc, chưa phù hợp với BLHS 1999 vốn quy định căn cứ vào trọng lượng, khối lượng chất ma túy chứ không tính hàm lượng.

Đại biểu cũng nêu thực tế, trong điều kiện máy móc, kỹ thuật còn hạn chế như hiện nay, đã có trường hợp bắt được những vụ trọng lượng chỉ 0,1 – 0,5g, đã trưng cầu giám định là có heroin, nhưng không xác định được hàm lượng, nên phải thả tự do mà không truy tố được.

“Hiện giữa các cơ quan tố tụng còn có quan điểm khác nhau. Có những vụ Viện kiểm sát đã phê chuẩn, nhưng khi ra tòa xử, tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Để đảm bảo phù hợp, thống nhất, tôi đồng ý với ý kiến Uỷ ban Tư pháp không quy định xác định hàm lượng để suy ra khối lượng và chỉ giám định trong trường hợp chất ma túy, tiền chất ở thể rắn được hòa thành dung dịch; ma túy ở dạng lỏng đã được pha loãng; sái thuốc phiện, thuốc gây nghiện và thuốc dưỡng thần” – đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường

Một lần nữa nhắc lại những thảm án gây ra do ma túy như vụ Trần Tuấn Khương cắt lìa bàn chân chị ruột; Đỗ Đức Hùng (Nam Định) giết chết bố mẹ đẻ bằng hàng chục nhát dao, hay vụ cùng lúc sát hại 4 bà cháu tại Quảng Ninh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của tội phạm ma túy.

“Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2011, cả nước có 158.000 người nghiện, đến nay đã tăng lên trên 202.000 người, tăng hơn 44.000 người trong 5 năm. Thêm 1 người nghiện là thêm 1 gia đình bất hạnh và thêm 1 mối lo. Tất cả những gì cần phải làm và có thể làm để chống ma túy cần phải được đặc biệt ưu tiên” – đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tố tụng nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau, từ đó nảy sinh nhiều cách giải quyết khác nhau. “Khi phát hiện tang vật có liên quan đến tội phạm ma túy, có 2 quan điểm chính. Quan điểm thứ nhất là giám định xem bánh đó có phải ma túy không? Nếu phải thì lấy toàn bộ nhân ra cân lạng để xử lý. Quan điểm thứ hai là phải giám định xem có bao nhiêu hàm lượng ma túy tinh chất, rút ra cân ra lạng để xử lý. Như BLHS 2015 thì đang áp dụng cả 2 cách, với khung hình phạt thấp thì tính cách 1, khung từ 20 năm tù đến chung thân, tử hình thì áp dụng cách 2, vừa không đảm bảo tính công bằng trong chính sách hình sự, vừa khó thực hiện” – đại biểu nêu rõ.

“Việc này còn tạo ra sự không công bằng đối với cả số vụ án không thu được tang vật (chiếm trên 20% số vụ). Nếu quy định như dự thảo, phải chăng thời gian tới, nếu không bắt được tang vật thì tính theo khối lượng đối tượng khai nhận, còn bắt được tang vật thì lại giám định tinh chất? Tôi cho rằng đây là mâu thuẫn lớn nhất mà dự thảo chưa tính tới”.

“Tấn công tội phạm ma túy là đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội, vào ý định gieo rắc hiểm họa đối với xã hội. Các đối tượng buôn bán ma túy, họ cũng chỉ quan tâm đến mua bán bao nhiêu bánh, bao nhiêu tép... chứ không bao giờ có chuyện thỏa thuận đợt này vận chuyển chuyến hàng với bao nhiêu % tinh chất. Ma túy tinh chất không thể có ngoài xã hội, chỉ có trong phòng thí nghiệm. Một số BLHS nước ngoài tôi được tiếp cận cũng không quy định về giám định tinh chất hàm lượng ma túy. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ quy định này” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị.

Chia sẻ quan điểm của người thực tế đối mặt với tội phạm ma túy, đại biểu Phạm Huyền Ngọc – Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết: Làm Công an, tôi lo lắng nhất là tội phạm ma túy. Hiện các tội phạm về ma túy rất nghiêm trọng, phức tạp và đáng báo động. Đại biểu dẫn thực tế, trước năm 2009, thống kê  của Ban Chỉ đạo 138 Quốc gia cho thấy cả nước có khoảng 130.000 người nghiện.

Từ 2009, khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 21 và rất nhiều chương tình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy, thì sau 7 năm thực hiện, số người nghiện ngày càng tăng, số xã, phường có người nghiện cũng tăng, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp và thành phần ma túy ngày càng đa dạng, mức độ ảnh hưởng của ma túy ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng ngáo đã gây tội nghiêm trọng gây hoang mang dư luận.

9 tháng đầu năm nay, có 15.366 vụ, hơn 19.000 bị can về ma túy là quá lớn. Việc mua bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy tăng có nguyên nhân do công tác quản lý cai nghiện người nghiện chưa chặt. Hiện có 71% người nghiện, tức khoảng 140.000 người đang ở ngoài cộng đồng. Cầu nhiều thì cung nhiều. Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến ANTT. Trong khi, luật không quy định người nghiện là tội phạm, thì cách quản lý khác lại nhiều vướng mắc. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do các đối tượng sử dụng chất ma túy gây ra, nên cần có các quy định nghiêm khắc đối với loại tội phạm này” – đại biểu kiến nghị.

Cũng như các đại biểu đã phát biểu trước, Đại biểu Phạm Huyền Ngọc cho rằng chỉ nên giám định hàm lượng chất ma túy trong các trường hợp như hiện nay.

Vũ Hân
.
.
.