Đại biểu Quốc hội lo lắng việc tái diễn các "chiến dịch giải cứu" nông sản

Thứ Sáu, 09/06/2017, 08:52
Thảo luận tại hội trường ngày 9-6 về báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kết quả kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017, một số đại biểu bày tỏ lo lắng về các chiến dịch “giải cứu” nông sản liên tiếp tái diễn thời gian gần đây và điệp khúc “được mùa rớt giá” đã hàng chục năm nay vẫn luôn thời sự.


Đại biểu (ĐB) Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho biết: Dù cử tri rất vui mừng về kết quả của ngành nông nghiệp – không những cung cấp đầy đủ lương thực cho hơn 90 triệu dân mà còn xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, sản lượng cao, nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn được mùa rớt giá liên tiếp diễn ra. 

Các chiến dịch “giải cứu nông sản” được được đưa ra, nhưng không thể làm yên lòng bà con nông dân. Heo, dưa hấu, thanh long... vẫn nhiều nơi phải đổ bỏ, người trồng cà chua nhiều lúc phải để trái chín rục trên cây vì rớt giá. Ngược lại, ĐB cũng đề cập đến một nỗi khổ khác của người nông dân là được giá -mất mùa, như Lâm Đồng năm nay có 11.000/ 14.000 ha cây điều năng suất không đạt được mục tiêu do dịch bọ xít hoành hành.

Với thực trạng này, ĐB đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, nông dân.

Phiên thảo luận tại hội trường sáng 9-6 của Quốc hội

“Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng chuỗi giá trị, tạo bước chuyển biến trong ngành nông nghiệp, “doanh nghiệp hóa nông nghiệp, doanh nhân hóa nông dân”, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, khuyến khích phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông – bài toán quan trọng, căn cơ để giải quyết nỗi khở “được mùa - mất giá” – Đại biểu kiến nghị.

Cũng lo ngại về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhắc lại tình trạng giá thịt lợn hơi, tiêu giảm mạnh trong thời gian qua, cho rằng các chiến dịch “giải cứu” chỉ là tức thời, là biện pháp tình thế. 

ĐB kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu ngành này, tạo điều kiện cho DN tập trung vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới để liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải phân tích và rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề “giải cứu” thịt heo trong thời gian qua. Mặc dù Bộ Công thương đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương không nên tăng đàn heo từ năm 2016, phải thận trọng trong việc xuất khẩu heo nguyên con qua đường tiểu ngạch, nhưng các cơ quan không kiểm soát được tình hình thực tế nên đã dẫn đến khủng hoảng thừa.

Đưa ra những số liệu rất cụ thể, ĐBQH nhìn nhận, sản lượng thịt heo vẫn chưa đạt mức đề ra trong quy hoạch chăn nuôi, nhưng đã phải tiến hành “giải cứu”. Trong khi đó, việc giết mổ chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam hiện là nước duy nhất xuất khẩu lợn nguyên con, không phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu trên thế giới là cấp đông thịt heo mảnh.

Nghịch lý cũng rất cần quan tâm ở đây là dù thị trường trong nước tiêu thụ không hết, nhưng vẫn có tình trạng nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc. Việc bình ổn giá thịt heo kém hiệu quả; có tình trạng thương lái ép giá…

Hiến kế giải quyết căn cơ tình trạng này, ĐBQH đề nghị rà soát Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem xét đưa ra một giải pháp tổng thể về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giải quyết triệt để tình trạng “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp; đồng thời nghiên cứu thành lập Cục Xúc tiến thương mại nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Có ý kiến còn đề nghị Quốc hội dành nửa ngày để chất vấn riêng về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.


Vũ Hân
.
.
.