Đại biểu Quốc Hội Trần Quang Chiểu: Kỷ luật ngân sách đã được siết chặt

Thứ Tư, 24/10/2018, 20:51

Việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã có những kết quả bước đầu quan trọng. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn.

Đó là đánh giá của Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về tình hình sơ kết 3 năm về việc thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.



PV: Thưa ông, dưới vai trò là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông nhận định như thế nào về những kết quả điều hành ngân sách trong 3 năm qua?

Đại biểu Trần Quang Chiểu: Trên thực tế, sau 3 năm thực hiện, có thể nói việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã có những kết quả bước đầu quan trọng.

Tổng thu các năm đều vượt dự toán, cùng với sự tăng cường thanh tra kiểm tra, chống thất thu qua chuyển giá, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Tổng thu giai đoạn 3 năm đạt 54 - 55% kế hoạch 5 năm, trong khi giá trị GDP cùng thời kỳ chỉ là 52 - 53% kế hoạch. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,9%, cao hơn kế hoạch theo Nghị quyết 25 là 23,5%.

Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, cao hơn mục tiêu kế hoạch là 25 - 26%. Chi thường xuyên giảm còn 63%, vượt so với mục tiêu là 64%. Kỷ luật chi tiêu được tăng cường hơn giai đoạn trước, các nhiệm vụ chi được đảm bảo kịp thời. Hàng năm vẫn đảm bảo mức tăng lương 7% trong khi vẫn giảm chi thường xuyên, đó là một nỗ lực rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong quản lý thu, chi NSNN; công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; quản lý tài sản công được đẩy mạnh, có hiệu quả; công khai, minh bạch ngân sách có chuyển biến tích cực… Có thể nói, Chính phủ, Bộ Tài chính đã bám rất sát Nghị quyết 25 của Quốc hội, thực hiện tốt các mục tiêu tổng quát và cụ thể.

Đặc biệt, các năm gần đây, chúng ta đã tăng dần được tích luỹ đầu tư, không còn phải vay để đầu tư nhiều như trước. Năm 2016, khoản tích luỹ cho đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, năm 2017 là khoảng 69.000 tỷ đồng, năm 2018 là khoảng 63.500 tỷ đồng, năm 2019 dự toán là hơn 67.000 tỷ đồng.

Với sự điều hành quyết liệt, bám sát như vậy, bội chi, nợ công đã được kiểm soát theo mục tiêu. Tỷ lệ nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 61,4% GDP. Cơ cấu nợ được cải thiện đáng kể, kỳ hạn vay kéo dài, tránh được rủi ro về lãi suất, tỷ giá, thanh toán nợ đúng kỳ hạn, mối quan hệ chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ hơn. Đến nay, có thể nói mục tiêu bội chi bình quân 5 năm 3,9% theo Nghị quyết 25 là trong tầm tay. Những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát nợ công, bội chi này đã góp phần quan trọng đáng kể trong việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

PV: Việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính đã đạt mục tiêu hay chưa?

Đại biểu Trần Quang Chiểu: Sau 3 năm, các thị trường tài chính, vốn tiếp tục được phát triển đồng bộ. Đến cuối tháng 6/2018, quy mô thị trường vốn đạt 115,3% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 77,7% GDP, vượt mục tiêu đến năm 2020 là 70%. Quy mô thị trường trái phiếu đạt 37,6% GDP, mục tiêu đến năm 2020 là 45% GDP. Chúng ta đã thực hiện cơ cấu lại, tái cấu trúc tổ chức thị trường, đa dạng hóa nhà đầu tư, hàng hóa trên thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro, thị trường bảo hiểm tăng trưởng tích cực…

Tôi đánh giá cao việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong 3 năm, riêng lĩnh vực thuế và hải quan đã cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính. Theo Chính phủ, từ năm 2016 đến cuối tháng 8/2018 đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 thủ tục và đơn giản hóa 894 thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đổi mới quy trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh thành phố, 100% các chi cục thuế, với khoảng 99% DN tham gia. Thời gian nộp thuế được rút ngắn từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, rất ấn tượng. Hiện nay, theo khảo sát của Chính phủ, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế ở mức thấp nhất trong nhóm các thủ tục hành chính.

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những năm qua, thể chế quản lý khu vực DNNN liên tục được hoàn thiện nhằm quản lý chặt chẽ vốn, tài sản của các tập đoàn, DNNN, thúc đẩy cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước được ban hành khá đầy đủ, phạm vi điều chỉnh bao quát hơn so với giai đoạn trước. Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 6/2018, đã cổ phần hóa 140 DN, thu về 153.103 tỷ đồng, chuyển 115.000 tỷ đồng vào NSNN theo kế hoạch tài chính 5 năm. Thực tế, số thu từ cổ phần hóa 3 năm vừa qua bằng 2,5 lần thu từ cổ phần hóa giai đoạn trước. Tuy nhiên, còn những mục tiêu của cơ cấu lại DNNN cần phải giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành.

PV: Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch như kỳ vọng, theo ông thời gian tới theo ông cần tập trung giải quyết vấn đề gì ?

Đại biểu Trần Quang Chiểu: Thời gian qua, việc điều chỉnh, đổi mới chính sách thu gặp nhiều khó khăn, việc sửa đổi các chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế không được như kỳ vọng nên kết quả thu NSNN chưa được như kế hoạch. Việc rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế, rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu NSNN chưa được thực hiện, vẫn còn tình trạng lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong các luật về thuế. Điều này ảnh hưởng đến tính bền vững của ngân sách.

Chi ngân sách tuy cơ cấu được cải thiện tích cực nhưng phải thấy rằng các nhiệm vụ chi lương và các chính sách an sinh xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư còn chậm, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh. Hơn nữa, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm, nhưng việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Tôi cho rằng Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này.

Theo ước tính, thu NSNN 5 năm đạt khoảng 6,6 - 6,7 triệu tỷ đồng, bằng 97 - 98% chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm quốc gia. Thực tế qua 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP mới đạt khoảng 6,57% bình quân năm, trong khi dự toán thu chi được xây dựng theo ước tính GDP 6,75%. Quy mô GDP 3 năm mới đạt khoảng 52 – 53% kế hoạch, do đó, thu NSNN 5 năm khó hoàn thành 100% kế hoạch. Do đó, để thu NSNN đạt kế hoạch, cần có sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự điều hành của Chính phủ, để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu. Chỉ khi kinh tế phát triển, sản xuất kinh doanh khởi sắc thì nguồn thu mới có thể bền vững. Đồng thời, các nhiệm vụ chi cũng phải được rà soát chặt chẽ để đảm bảo giữ trần nợ công, bội chi trong kế hoạch.

Một vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh là sự gắn kết giữa kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Mức trần đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ đồng là tính trên tốc độ tăng trưởng kinh tế dự toán 5 năm bình quân là 6,75% và thực hiện 8 giải pháp điều chỉnh chính sách thu, đảm bảo nguồn cho ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay một số mục tiêu còn khó khăn nên phải rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo chi đầu tư phải gắn kết với nguồn lực, với khả năng trả nợ, tránh tình trạng dàn trải, gây khó khăn cho cân đối ngân sách. Nguyên tắc là phải giữ được trần bội chi, nợ công như định hướng. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây khẳng định, “thu đạt kế hoạch mới có cơ sở bố trí chi đầu tư công”. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lưu Hiệp ghi


Lưu Hiệp
.
.
.