Một Sở 44/46 lãnh đạo: Không thể quan tâm một cách vô nguyên tắc

Thứ Ba, 01/11/2016, 11:17
“Lãnh đạo phải có trách nhiệm quan tâm đến cán bộ trẻ nhưng không thể quan tâm một cách vô nguyên tắc được. Nếu ai cũng bổ nhiệm như thế thì tiền thuế của dân sẽ phải trả vô tội vạ” – đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu.


Liên quan đến sự việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì tới 44 người làm cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên, vừa qua ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương, nay là Bí thư Thị ủy Thị xã Chí Linh đã trả lời báo chí. 

Theo ông Bản, việc mỗi phòng cần 4-5 cấp phó là căn cứ nhu cầu công việc thực tế cũng như để tăng tính trách nhiệm và thuận lợi cho cán bộ về địa phương làm việc. Ông khẳng định, với ông thì công việc phục vụ nhân dân được đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 1-11 về câu trả lời của ông Lưu Văn Bản, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Câu trả lời như thế tôi cho là vô trách nhiệm. Một đồng chí lãnh đạo Sở mà nói bổ nhiệm nhiều lãnh đạo là vì dân thì quả thực tôi không thể hình dung nổi là vì dân ở đâu. Phải chăng ở sở LĐ,TB&XH Hải Dương công việc nhiều hơn, chức năng nhiệm vụ nhiều hơn?”

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Theo đại biểu, nhiều năm nay Sở này đã có bê bối, nhiều việc kiện tụng xảy ra, tham mưu cho địa phương chưa đến nơi đến chốn... Bây giờ lại nói vì dân thì không thuyết phục được ĐBQH, không thuyết phục được nhân dân và cử tri. Trả lời như thế là chưa tròn trách nhiệm của lãnh đạo trước Đảng và nhân dân.

Ông Lưu Văn Bản cũng nói, việc bổ nhiệm những cán bộ là con em mới ra trường, trẻ nhưng nhiệt huyết, đam mê và mong muốn được cống hiến là để động viên, khích lệ họ. 

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bức xúc: “Nếu nói thế thì tự nhiên phản lại chuyện “vì dân”. Người mà không đủ năm công tác, cống hiến lại bổ nhiệm để lương cao thì anh lại tiêu pha thêm tiền của dân chứ làm sao vì dân được!”.

Quan điểm của ông là các đồng chí lãnh đạo phải có trách nhiệm quan tâm đến cán bộ trẻ nhưng không thể quan tâm một cách vô nguyên tắc được. “Nếu ai cũng bổ nhiệm như thế thì tiền thuế của dân sẽ phải trả vô tội vạ. Phát biểu như thế là không thuyết phục”, ông nhấn mạnh.

ĐBQH Dương Trung Quốc đồng tình, ông cho rằng động cơ bổ nhiệm ở đây là vì cái gì thì chỉ cơ quan chức năng mới trả lời được, nhưng với tư cách là người làm lãnh đạo thì phải nhìn vào việc bổ nhiệm có gì bất hợp lý hay không.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Theo ông, nếu ông Bản là lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, tự bỏ tiền túi thì hoàn toàn có quyền làm việc đó. Còn đây ông là người của nhà nước thì phải tuân theo các quy định của nhà nước vì tiền trả lương cũng là tiền của nhà nước.

 “Cách giải thích của ông Giám đốc Sở (ông Lưu Văn Bản – PV) về mặt luật pháp là không chấp nhận được mà thực tế cũng không chấp nhận được” - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm. 

Quy luật quản lý trong hành chính công cũng như quản lý chung không cho phép một sở mà lãnh đạo 44 còn nhân viên chỉ có 2. Như vậy là phản khoa học, trái với quy định của nhà nước.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

“Tôi cũng đã từng làm lãnh đạo, làm Giám đốc một cấp sở, thật ra theo cơ chế hiện nay một Giám đốc Sở không thể tùy tiện bổ nhiệm như thế vì dính đến ngân sách, lương. Những quyết định về bổ nhiệm cán bộ còn dính đến Đảng ủy, Ban cán sự đảng và đụng đến Sở LĐ,TB&XH, Sở Nội vụ. Tất cả việc bổ nhiệm nếu bất hợp lý thì phải báo cáo lên UBND tỉnh”.

Việc Giám đốc Sở bổ nhiệm nhiều lãnh đạo, theo ông, không phải một mình Giám đốc Sở đó chịu trách nhiệm mà các Sở liên quan và đồng chí lãnh đạo ở UBND tỉnh phụ trách Sở đó cũng phải chịu trách nhiệm. “Nếu những người này không phát hiện, ngăn chặn thì trách nhiệm thuộc về những người đó” – ông nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.