Đã có “vòng kim cô” cho… trò chơi trực tuyến

Thứ Bảy, 31/07/2010, 11:12
Hoan hô Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM và Hà Nội đã có những quyết định được coi là "cứng rắn" trong việc quản lý trò chơi điện tử trực tuyến. Hoan hô Bộ Thông tin - Truyền thông đã có quyết định tạm dừng cấp phép trò chơi trực tuyến và cấm quảng cáo loại hình này trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hoan hô ông Phạm Quốc Bản Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã có lời tuyên bố rất thẳng thắn, trách nhiệm rằng: "Vì thế hệ trẻ ta thì cứ làm".

Rõ ràng là bấy lâu nay, do các cấp chính quyền (đặc biệt là chính quyền cơ sở chấp hành không nghiêm các quy định về quản lý chơi game)  đã buông lỏng quản lý trò chơi trực tuyến mà dẫn đến hệ lụy như ngày hôm nay đối với rất nhiều thanh thiếu niên, thậm chí có cả người lớn tuổi.

Rồi không ít phương tiện truyền thông suốt ngày quảng cáo cho loại trò chơi mà hầu hết mang tính bạo lực này.

Những nhà sản xuất  chương trình trò chơi trực tuyến có thể hí hửng mà khoe rằng mỗi năm họ có tổng doanh thu hàng chục triệu đôla, nộp lãi ngân sách hàng bao nhiêu tỉ... Nhưng chả lẽ họ không nghĩ rằng ít nhất 3/4 số tiền mà họ có được đó là tiền mà con trẻ lấy của cha mẹ, là tiền ăn cắp, lừa đảo, là tiền chúng đi cướp, thậm chí cả giết người để có được? Đó là đồng tiền chẳng trong sạch gì.

Vì thế, ông Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM đã có lời tuyên bố hết sức đúng rằng, TP HCM không cần làm giàu bằng những đồng tiền ấy.

Nhà sản xuất lại còn bào chữa cho việc sản xuất chương trình mang  nặng tính bạo lực rằng vì con trẻ bây giờ thiếu chỗ chơi, thiếu phương tiện giải trí... cho nên mới phải rúc đầu vào chơi game.

Rõ là lời lẽ của những người chỉ biết đến kiếm tiền mà bất chấp hậu quả ra sao.

So với 20 năm trước đây, thì con trẻ bây giờ thừa chỗ chơi, thừa phương tiện giải trí và dư thừa sách báo tử tế để đọc, để học. Nhưng đòi hỏi con trẻ phải có sự hiểu biết chín chắn, có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng xã hội như một người từng trải thì rõ ràng là điều không tưởng.

Không có kỷ luật thì không có tự giác và giáo dục phải đi đôi với biện pháp, đó là điều mà bất cứ ai cũng hiểu, và  những người có trách nhiệm  quản lý xã hội càng phải hiểu hơn. Nếu chỉ giáo dục mà không có những chế tài cứng rắn buộc mọi người phải chấp hành thì chỉ là giáo dục suông. Cho nên cần phải có những biện pháp cứng rắn, thậm chí cực kỳ cứng rắn để buộc mọi công dân vào kỷ cương phép nước.

Nếu không phạt thật nặng, liệu người dân có tự giác chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy không?

Nếu không xử lý hình  sự đối với những người buôn bán vận chuyển pháo nổ và phạt hành chính với người đốt pháo, liệu chúng ta có được những cái tết an toàn không?

Ai cũng biết  Quán thế âm Bồ Tát là bậc đại từ đại bi. Ấy vậy mà, mặc dù đã thuyết phục được Tôn Ngộ Không  từ bỏ tính hoang dã, ngông cuồng để phò tá Đường Tăng sang Tây Thiên lấy Kinh, nhưng Bồ Tát vẫn phải có  "độc thủ" - Ấy là cho Đường Tam Tạng lừa gắn cho Tôn Ngộ Không một vòng kim cô lên đầu. Mỗi khi Tôn Ngộ Không "dở chứng", Đường Tăng chỉ cần niệm "khẩn cô nhi chú", là buộc Tôn Ngộ Không phải nghe theo. Thử hỏi nếu không có vòng kim cô ấy, liệu Tôn Ngộ Không có thành chính quả, được phong là Đấu Chiến Thắng Phật  không?

Cho nên bên cạnh việc từng gia đình phải giáo dục, quản lý con cái mình thì xã hội cũng phải có những biện pháp cần thiết, và phải có những  "vòng kim cô".

Hy vọng rằng sau lần này, những chiếc "vòng kim cô" trong quản lý trò chơi trực tuyến sẽ phát huy tác dụng

N.P. (Chuyên đề ANTG 980)
.
.
.