Thu nhập đầu người của Đà Nẵng đạt 3.677 USD

Thứ Sáu, 10/08/2018, 16:33
Hội thảo lần này là dịp để Trung ương, các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học có những đánh giá về tình hình phát triển TP. Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, từ đó có những định hướng để TP. Đà Nẵng phát triển trong thời gian tới.


Ngày 10-8  tại TP. Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. 

Qua đó, thành phố Đà Nẵng cũng dần định vị là đô thị lớn của cả nước, là đầu mối, cửa ngõ giao thông quan trọng trong nước và quốc tế, là trung tâm kinh tế - xã hội và là đầu tàu, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời tiên phong trong hội nhập quốc tế.

Việc Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm mục đích tiếp thu ý kiến của các đại biểu để có cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của thành phố Đà Nẵng, trình Bộ Chính trị.

Toàn canh buổi hội thảo.

Được biết, TP. Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1-1-1997. Ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Có thể nói Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị là một quyết sách quan trọng là động lực để Đà Nẵng bứt phá, phát huy lợi thế, phát triển vươn lên trở thành đô thị trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sau 15 năm phát triển, và triển khai Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, và với những cách làm mới, sáng tạo đã đưa Đà Nẵng không ngừng bứt phá, đạt được nhưng thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo đô thị đã có những thay đổi ấn tượng, trở thành thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo bậc nhất cả nước.

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng cho biết: 15 năm qua, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, với nỗ lực và quyết tâm cao, TP. Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và đạt được nhiều thành tích nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.

KT-XH phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003. 

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018, riêng giá trị năm 2018 ước đạt 63.960 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2003, bằng 1,39% so với cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD), gấp gần 7 lần năm 2003 và 1,45 lần cả nước.

Ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng. Du lịch được đầu tư phát triển mạnh, bước đầu trở thành trung tâm du lịch có thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, từng bước định hình vai trò trung tâm mua sắm, phân phối, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.  Các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, Giáo dục và đào tạo, y tế được tập trung phát triển, với tốc độ tăng trưởng cao.

Giai đoạn 2003-2018, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước đạt 188.740 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm; trong đó, thu nội địa đạt 146.238 tỷ đồng, tăng 16,3%/năm, chiếm 77,5% trên tổng thu NSNN.

Mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành. Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 về đích trước 3 năm, giai đoạn 2013-2017 về đích trước 2 năm, đến cuối năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Thực hiện có hiệu quả các chương trình “5 không”, “4 an”, địa bàn “không có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn, “không có người lang thang xin ăn”, “không có người nghiện ma tuy trong cộng đồng”…

Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển khá đồng bộ; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2003. Hệ thống hạ tầng CNTT và truyền thông, cấp điện, nước, điện chiếu sáng, cây xanh, xử lý rác thải… được đầu tư khá đồng bộ, tạo diện mạo mới cho thành phố theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại.

Khu vực kinh tế FDI phát triển mạnh mẽ, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đến hết tháng 52018, Đà Nẵng đã thu hút được 609 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3,1535 tỷ USD.  Bước đầu đã xác lập được vai trò hạt nhân của khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng, trở thành tâm điểm phát triển trên nhiều lĩnh vực như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu. Đà Nẵng đã tích cực gia nhập các diễn đàn quốc tế của khu vực và thế giới. Uy tín, vị thế và hình ảnh thành phố được quảng bá hiệu quả qua các sự kiện văn hóa quốc tế hàng năm.

Hoài Thu
.
.
.