ĐBQH lo tình trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng sau các vụ thảm án

Thứ Hai, 04/11/2019, 15:35
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị công tác phòng ngừa tội phạm giết người không chỉ giao cho các cơ quan tư pháp mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể. Trong đó cùng cần các giải pháp căn cơ từ giáo dục, từ văn hoá.


Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thư 8 Quốc hội khoá 14, chiều 4-11, thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn Bắc Kạn bày tỏ lo lắng về những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đoàn Bắc Kạn phát biểu chiều 4-11. Ảnh: quochoi.vn

Nhắc đến vụ thảm án khiến 4 người chết ở Đan Phượng, Hà Nội vì tranh chấp đất đai; vụ trọng án ở Thái Nguyên khi người anh trai truy sát cả gia đình người em vì mâu thuẫn tiền bạc hay vụ án mạng vì cãi vã khi tham gia giao thông ở Bình Dương... đại biểu cho rằng nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng nghiêm trọng ngày càng có dấu hiệu đơn thuần hoá, xuất phát chỉ từ những mâu thuẫn trong cuộc sống thường nhật, mâu thuẫn kinh tế.

Về đối tượng phạm tội, bà Thuỷ cho biết số vụ án mạng xảy ra trong gia đình, các vụ án giết người thân thời gian gần đây chiếm từ 18-20%, tương đương 200 vụ mỗi năm. "Đây là con số rất lớn", đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối tượng phạm tội giết người ngày càng trẻ, khi 60% đối tượng phạm tội ở độ tuổi dưới 30, giai đoạn trước đây chỉ là 35%. Đại biểu Thuỷ cho rằng điều này chỉ ra thực trạng đáng báo động rằng truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cùng các giá trị đạo đức đang có chiều hướng mờ nhạt, một bộ phận không nhỏ giới trẻ có dấu hiệu băng hoại đạo đức.

Theo đại biểu Thuỷ, nguyên nhân dẫn đến thực tế này là việc giáo dục trong gia đình buông lỏng, thiếu quan tâm. Tiếp đó, giáo dục trong nhà trường nặng kiến thức chuyên môn mà giáo dục nhân cách, trách nhiệm công dân chưa tương xứng.

"Nhiều học sinh coi Giáo dục Công dân là môn học phụ. Sự bùng nổ công nghệ thông tin kéo theo những hình ảnh tội ác tràn lan trên mạng. Hiện tượng giang hồ mạng phô trương lối sống giang hồ nhưng lại được nhiều người xem, nhiều người tương tác, một bộ phận thì hâm mộ", đại biểu nêu.

"Tôi đồng tình với quan điểm của một số đại biểu quốc hội khi cho rằng, trong một chừng mực nhất định, chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách", bà Thuỷ phát biểu.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị công tác phòng ngừa tội phạm giết người không chỉ giao cho các cơ quan tư pháp mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể. Trong đó cần các giải pháp căn cơ từ giáo dục, từ văn hoá để tạo ra chuyển biến một cách tích cực, ổn định.

Đại biểu cũng kiến nghị Bộ Công an sớm tổng kết về loại tội phạm giết người, từ đó tham mưu Chính phủ có những biện pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình mới, tập trung vào các biện pháp phòng ngừa xã hội, phân công cụ thể cho các cấp, cách ngành để thực hiện.

Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đoàn Hoà Bình cũng bày tỏ quan ngại về việc tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng tác động đã làm băng hoại đạo đức của một số bộ phận các tầng lớp trong xã hội.

Theo đại biểu, các yếu tố bạo lực, đồi trụy, truyền bá xâm nhập qua mạng Internet, cùng với sự quản lý giáo dục của gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, nghiêm minh hay việc các cơ chế, chính sách, pháp luật còn một số bất cập là một là một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng nghiêm trọng thời gian qua.

Q. Vinh - T. Nhân
.
.
.