ĐBQH: Không thể thông báo tiến độ với cơ quan thuế khi vụ án đang điều tra

Thứ Sáu, 24/05/2019, 09:57

“Nếu Cơ quan điều tra phải thông báo về tiến độ xử lý cho cơ quan thuế là vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước vì theo quy định, vụ án đang trong quá trình điều tra thuộc danh mật bí mật nhà nước của ngành Công an”, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu phân tích.


Sáng nay, 24-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Mở đầu phần thảo luận, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) viện dẫn khoản 3 Điều 128 quy định Lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn, hỗ trợ cơ quan quản lý thuế trong quá trình cưỡng chế thuế.

Theo ông, quy định như vậy là không sát với thực tiễn vì hiện không chỉ có lực lượng CSND tham gia mà còn có nhiều lực lượng khác trong CAND tham gia. “Hơn nữa, sắp tới lực lượng Công an xã chính quy sẽ tham gia nhiều về vấn đề này. Do vậy, tôi đề nghị thay đổi cụm từ “CSND” bằng cụm từ “CAND” cho phù hợp”, đại biểu nói.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu thảo luận tại hội trường sáng nay.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát, Toà án, Điều 23 dự thảo luật quy định: CQĐT, Viện kiểm sát, Toà án trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ xử lý vụ việc cho cơ quan thuế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Nếu CQĐT phải thông báo về tiến độ xử lý cho cơ quan thuế là vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước vì theo quy định, vụ án đang trong quá trình điều tra thuộc danh mật bí mật nhà nước của ngành Công an, quy định tại Thông tư số 10, năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an”.

Về trách nhiệm, ông đánh giá quy định này bỏ sót nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, được quy định tại Điều 144 đến Điều 150 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Do vậy ông đề nghị viết lại điều này như sau: CQĐT, Viện Kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời nghiêm minh tội phạm theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan thuế.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc).

Điểm b, khoản 2, Điều 15 quy định về trách nhiệm của Công an, dự thảo viết: Điều tra tội phạm thuế. “Viết như vậy vừa cụt ngủn, vừa không phù hợp với thuật ngữ pháp lý đã được sử dụng tại mục 2, chương 18 Bộ luật Hình sự năm 2015,  sửa đổi năm 2017”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu quan điểm. Ông đề nghị viết lại là “Điều tra tội phạm trong lĩnh vực thuế” cho phù hợp.

Cũng liên quan đến nội dung này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định Bộ Công an có trách nhiệm điều tra tội phạm thuế và xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với các hồ sơ cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi trốn thuế chuyển sang là chưa khái quát và chưa đầy đủ.

Theo ông, thực tế các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan thuế phát hiện và chuyển sang cho cơ quan Công an không chỉ là trốn thuế mà còn mua bán trái phép hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoàn thuế giá trị gia tăng…

“Nếu chỉ quy định như dự thảo thì các vụ việc trốn thuế mà cơ quan quản lý thuế phát hiện, chuyển sang cho cơ quan Công an mới được kiểm tra, xử lý, còn các loại vi phạm khác có liên quan đến lĩnh vực thuế có được điều tra không?”, đại biểu băn khoăn.

ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị sửa lại là: Bộ Công an có trách nhiệm điều tra tội phạm thuế và xử lý các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với các hồ sơ quản lý thuế phát hiện hành vi vi pham pháp luật về thuế.


Quỳnh Vinh
.
.
.