Cuộc cách mạng từ nhân dân và vì nhân dân

Chủ Nhật, 28/08/2011, 16:56
Có người đã vào các trang mạng xã hội phát biểu nhiều điều rất lạ tai về cuộc Cách ạng Tháng Tám, có vẻ như Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp được thời cơ cách mạng nhưng nghĩ kỹ thì không phải. Người ta muốn hạ thấp vai trò của Đảng với đất nước, với cuộc cách mạng long trời lở đất thay đổi vận mệnh của nước Việt Nam, một cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc. Thực hư việc ấy là thế nào?

Lịch sử chỉ có một nhưng luận giải về lịch sử thì có nhiều, càng lùi xa sự kiện càng nhiều cách luận giải. Tuy nhiên, dù luận giải theo cách nào, thì người trung thực đều phải xuất phát từ khách quan.

Gần đây, nhất là trong không khí kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 này, đáng tiếc là có người đã vào các trang mạng xã hội phát biểu nhiều điều rất lạ tai. Chẳng hạn, người ta nói Cách mạng Tháng Tám là chuyện ăn may, nhờ có một khoảng thời gian nước Việt Nam bỏ trống, không ai quản lý, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động quần chúng giành chính quyền. Nghe bề ngoài, có vẻ như Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp được thời cơ cách mạng nhưng nghĩ kỹ thì không phải. Người ta muốn hạ thấp vai trò của Đảng với đất nước, với cuộc cách mạng long trời lở đất thay đổi vận mệnh của nước Việt Nam, một cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc. Thực hư việc ấy là thế nào?

 Đúng là nhờ dự đoán chính xác đến từng ngày và tranh thủ được thời cơ cách mạng, Đảng đã lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, một cuộc cách mạng vô cùng mau lẹ, ít tốn xương máu nhưng vô cùng to lớn. Nhưng để có tình thế ngàn năm có một ấy, Đảng đã phải trải qua cuộc đấu tranh gian khổ suốt 15 năm, tích lũy thế và lực cũng như kinh nghiệm qua 4 cao trào cách mạng, cao trào sau rộng lớn hơn, có kinh nghiệm hơn cao trào trước.

Năm 1930-1931, cao trào cách mạng Xô viết-Nghệ Tĩnh là cuộc tập dượt quần chúng đầu tiên về giành chính quyền và quản lý chính quyền sau ngày thành lập Đảng. Năm 1936-1939 là cao trào tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng làm cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối chủ trương của Đảng dưới khẩu hiệu mở rộng dân chủ trong phạm vi toàn quốc.

Nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (8-1945, ảnh Vũ Năng An).

Cao trào cách mạng 1939-1941 phát động quần chúng ủng hộ Liên bang Xôviết, đứng hẳn về phe đồng minh, góp tiếng nói với các lực lượng tiến bộ chống chiến tranh đế quốc là Đại chiến thế giới lần thứ 2. Lực lượng cách mạng được củng cố, uy tín được tăng cường, dự đoán được xu thế phát triển của tình hình, chủ động đón bắt thời cơ, Đảng đã phát động quần chúng, xây dựng các căn cứ cách mạng rải khắp toàn quốc điển hình là căn cứ địa Việt Bắc (Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà); tiến hành khởi nghĩa từng phần, kết hợp tuyên truyền với đấu tranh vũ trang, xây dựng quân đội cách mạng. Cuộc cách mạng của nhân dân ta trong Việt Nam độc lập đồng minh là một bộ phận của mặt trận đồng minh quốc tế chống phát xít, góp phần vào thắng lợi của phe Đồng minh ở Đông Dương và đã được sự ủng hộ của một số quốc gia thuộc phe Đồng minh từ những năm trước 1945 là nhờ đường lối đúng đắn đó.

Đúng như dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trước đó nhiều năm, năm 1945 thời cơ cách mạng xuất hiện. Nắm bắt thời cơ đó, đứng vững trên thế chủ động chiến lược, Đảng ta đã phát động một cao trào cách mạng rộng khắp, tranh thủ phá kho thóc của Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân ở nhiều nơi trước khi Hà Nội giành chính quyền làm thế địch suy yếu, tinh thần địch hoang mang, rệu rã, tạo điều kiện cho Tổng khởi nghĩa thành công. Có yếu tố khách quan trong thời cơ cách mạng. Đó là việc Liên Xô đánh thắng phát xít Đức ở mặt trận châu Âu, tấn công đội quân Quan Đông của Nhật ở châu Á, cùng với 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống nước Nhật khiến Nhật phải ký hiệp định đầu hàng.

Trong một khoảng thời gian rất ngắn, các nước thắng trận (trong đó có Pháp, Anh, Trung Quốc Tưởng Giới Thạch…) chưa thống nhất chia lại thuộc địa và chưa kịp đưa quân vào giải giáp quân Nhật thua trận. Nhưng thuận lợi khách quan đó cũng sẽ không thể tận dụng được nếu quần chúng chưa được phát động, và không có lực lượng vũ trang đủ mạnh. 

Cách mạng Tháng Tám lịch sử đã 66 năm, nhưng ý nghĩa lịch sử của nó luôn còn mang tính thời sự. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nắm vững thời cơ, chủ động tiến công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của toàn dân Việt Nam, đứng lên tự quyết định vận mạng của mình

Vĩnh Thi
.
.
.