Xung quanh “Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”

Cụ thể hóa các văn bản luật để xử nghiêm hành vi vi phạm pháp luật

Chủ Nhật, 14/04/2013, 14:22
Gần đây, sau khi Báo CAND đăng tải loạt bài liên quan đến “Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” mà Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Báo đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị thông tin rõ hơn về những quy định cụ thể cho người thi hành công vụ được nổ súng để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Thể theo yêu cầu của bạn đọc, Báo CAND xin tiếp tục thông tin và kết thúc vấn đề này để giúp bạn đọc hiểu thêm.

Trở lại vấn đề, do trước những diễn biến phức tạp về tình trạng chống người thi hành công vụ trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và phân công Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Quan điểm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ là góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi chống người thi hành công vụ, trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng cũng không để người thi hành công vụ lạm dụng quyền hạn để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực ra, quy định về nổ súng của người thi hành công vụ trong dự thảo Nghị định trên không phải là quy định mới mà chỉ là cụ thể hóa, chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định về vấn đề này ở các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn như: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân… và quy định này cũng hoàn toàn thống nhất với quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam.

Cần phải xử lý nghiêm những hành vi chống người thi hành công vụ.

Và để tăng cường hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người thi hành nhiệm vụ, ngày 30/6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Pháp lệnh quy định cụ thể một số nội dung như: quy định nổ súng trong khi thi hành công vụ áp dụng cho tất cả những người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, không phải chỉ quy định riêng cho lực lượng Công an nhân dân; quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền, và sử dụng vũ khí phải đúng mục đích và hạn chế tối đa thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng phải tuân theo 4 nguyên tắc cơ bản sau:

- Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng.

- Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;

- Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

- Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Pháp lệnh Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định cụ thể 7 trường hợp được nổ súng, gồm:

1. Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

2. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

3. Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

4. Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

5. Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

6. Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau (trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế):

*Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

*Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

*Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

7. Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Như vậy, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo là thực hiện cụ thể hơn các văn bản nêu trên, để khi Nghị định ban hành vừa chặt chẽ, vừa đúng luật và không bị lạm quyền khi thi hành.

(Kỳ sau: Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm)

Nguyễn Hưng
.
.
.