“Công việc đối với con người” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 03/09/2014, 09:56
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã để lại những lời chỉ dẫn quan trọng về những vấn đề có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam như về xây dựng Đảng, tu dưỡng đạo đức, xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, chăm lo chính sách xã hội đối với con người, về phong trào cộng sản quốc tế và về việc riêng.

Tuy nhiên, suy cho cùng tất cả những công việc ấy đều xuất phát từ con người và hướng tới con người, vì vậy trong phần viết năm 1968, khi nói về những công việc của Đảng sau khi đánh thắng giặc Mỹ và tay sai, Bác căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

1. Những năm tháng tuổi thơ lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến cảnh lầm than đau khổ của người dân Việt Nam; ra đi tìm đường cứu nước, chứng kiến sự đối xử tàn bạo của chủ nghĩa thực dân với nhân dân lao động và nạn phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới đã xây đắp ở Nguyễn Ái Quốc tình cảm yêu thương, sự cảm thông sâu sắc đối với người dân lao động. Tình cảm đó mạnh mẽ đến mức biến hành ý chí và quyết tâm của Người trong việc thực hiện giải phóng xã hội, giải phóng con người với “ham muốn tột bậc” là làm sao cho nước được độc lập, dân được tự do, đồng bào “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Vì tình thương yêu ấy, Người đã tận tụy phấn đấu hy sinh cả đời cho đến khi cảm nhận được cái ngày “đi xa” tất yếu đang đến gần mà điều “ham muốn tột bậc” chưa được thực hiện trọn vẹn và điều luyến tiếc nhất là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa”... Như Người đã từng nói: "Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập… Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".

Trong công việc đối với con người thì đối tượng đầu tiên được Bác nhắc tới với tình cảm thiết tha và sự tri ân to lớn đó là những người có công với cách mạng, những người trực tiếp đương đầu với kẻ thù như Người đã từng khẳng định: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập.

Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số ra thành thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.204).

Thấm thía sự mất mát hy sinh của các chiến sĩ và gia đình, quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể đối với người có công và gia đình của họ. Người coi việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không phải là nhiệm vụ của riêng ai, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.

Sự quan tâm của Người dành cho những giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội. Bác động viên khích lệ những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong “đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm”, tầng lớp phụ nữ đảm đang “đã góp phần xứng đáng trong sản xuất và chiến đấu”... và đặc biệt hơn nữa, tình thương yêu bao la của Bác còn tỏa sáng đến những lớp người của xã hội cũ để lại...

Có thể nói, Di chúc là nơi kết tinh tình cảm thiêng liêng nhất, ở đó biểu tượng của lòng yêu nước, thương dân tha thiết và nồng nàn nhất của vị Chủ tịch nước, vị Cha già của dân tộc được tỏa sáng. Đó là nguồn động viên khích lệ to lớn với mỗi người con Việt Nam, với toàn thể nhân dân Việt Nam và trong suốt quá trình cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

2. Khi bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lên án, phê phán gay gắt sự lừa dối của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đối với nhân dân lao động. Người yêu cầu: Chúng ta đã làm cách mạng thì phải làm cho đến nơi, cho triệt để, làm sao cách mạng rồi thì phải mang quyền lợi đến cho đại đa số quần chúng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: "1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành". Bản Di chúc viết năm 1968, Người viết: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”. 

Công việc đối với con người sau khi sự nghiệp kháng chiến thành công, không chỉ dừng lại ở sự chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để mỗi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều mà Người quan tâm hơn cả đó là giáo dục, cải tạo để xây dựng những con người mới kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Để chăm lo, bồi dưỡng sức dân, để phát huy được nhân tố con người, Bác để lại những lời dặn dò tha thiết và đầy trách nhiệm trên cương vị Chủ tịch nước: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Lời căn dặn về nhiệm vụ đối với con người nêu lên nhiều bài học quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà sinh thời Người thường xuyên yêu cầu, đó là mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải thật sự vì con người, hướng tới con người, phát huy sức mạnh của nhân tố con người. Để làm được điều đó, thì “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cánh mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

T.T.H.
.
.
.