Công tác đối ngoại quốc phòng chính là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa

Thứ Hai, 22/08/2016, 18:39
Cũng tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng đã có bài tham luận đánh giá, nhận định về tình hình thế giới, khu vực, đề xuất những phương hướng, biện pháp để đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng XII.

Trong phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và tích cực chủ động đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP).

Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22 về hội nhập quốc tế, QUTƯ đã kịp thời ban hành nghị quyết về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm chỉ đạo định hướng về công tác này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, công tác ĐNQP chính là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, được triển khai một cách đồng bộ, góp phần xây dựng lòng tin giữa các nước, phục vụ cho đối ngoại quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, ĐNQP đã đạt được một số thành tựu quan trọng. “Thứ nhất, ĐNQP đã góp phần vững chắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, chúng ta đã tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài để góp phần xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước. Thứ ba, ĐNQP góp phần tăng cường củng cố lòng tin, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Thứ tư, ĐNQP trở thành một trong những trụ cột đối ngoại chung của cả nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 80 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu và 5 nước thường trực HĐBA LHQ.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, quân đội đã và đang trở thành thành viên tích cực có trách nhiệm của các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. ảnh: Hoa Huyền

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong thời gian qua. Cụ thể, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tham vấn, chia sẻ thông tin, tạo được sự thống nhất trong việc tham mưu với Đảng và Nhà nước về những vấn đề quan hệ quốc tế có liên quan đến quốc phòng và an ninh cũng như trong xây dựng, hoạch định các kế hoạch, chiến lược quan hệ đối ngoại phù hợp với từng đối tác, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Đặc biệt, trong vấn đề Biển Đông, hai Bộ đã phối hợp rất tốt trong xử lý từ các vụ việc cụ thể trên thực địa đến đấu tranh trên bình diện ngoại giao, vừa kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, vừa tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. “Đó là sự phối hợp đặc biệt quan trọng, kịp thời và hiệu quả vào những thời điểm lợi ích quốc gia dân tộc có nguy cơ bị đe dọa”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận xét. Trên mặt trận bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hợp tác của các đối tác, nhất là các đối tác có tiềm lực về kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả của chất độc đi-ô-xin và bom mìn, vật liệu nổ... Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất tốt với Bộ Quốc phòng trong việc triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương, trong công tác nghiên cứu chiến lược, nhất là trong vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh….

Nhằm tăng cường phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề xuất Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Quốc phòng, tạo tiếng nói chung, thống nhất hơn nữa giữa hai Bộ trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc. Để làm được điều này, hai Bộ cần duy trì cơ chế trao đổi cả ở cấp Bộ và ở cấp các cơ quan hữu quan, trong đó trao đổi sâu về các vấn đề chiến lược, tình hình khu vực và thế giới, đánh giá chính sách của các nước đối với Việt Nam, từ đó tạo đồng thuận trong việc đề xuất những chính sách, biện pháp thích hợp để triển khai quan hệ hợp tác và xử lý, ứng phó với các tình huống. Đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề đối ngoại, nhất là về đối ngoại đa phương, tăng cường phối hợp đấu tranh trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích chính đáng của ta trên Biển Đông, tạo thành tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ tại các diễn đàn ngoại giao, quốc phòng đa phương.

Hai Bộ cần phối hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, có trình độ nghiên cứu, tham mưu, có kỹ năng và kiến thức hội nhập quốc tế và đối ngoại. Bộ Quốc phòng mong muốn Bộ Ngoại giao tăng cường hỗ trợ đào tạo cán bộ của Bộ Quốc phòng về công tác nghiên cứu các vấn đề quốc tế, biên giới, lãnh thổ, biển đảo...

Huyền Chi
.
.
.