Công tác ANQG sẽ là một nội dung trọng tâm của Hiến pháp

Thứ Tư, 23/01/2013, 03:30
Hiện nay, các trường Công an nhân dân, trong đó có Học viện ANND đang tiếp tục thực hiện đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng là góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Các khoa, bộ môn chuyên sâu về pháp luật đã có nhiều ý kiến xác đáng, trong đó trọng tâm vẫn xoay quanh vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vị thế và vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Trưởng bộ môn Pháp luật, Học viện ANND đánh giá:

“An ninh quốc gia (ANQG) là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong các nội dung quy định của Hiến pháp, có các quy định liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác bảo vệ ANQG. Các quy định liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ ANQG có nội dung rất rộng lớn, liên quan đến nội hàm của bảo vệ ANQG, xác định trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ ANQG, xác định lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ ANQG, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội về bảo vệ ANQG. Với cách tiếp cận trên, theo tôi, trong Hiến pháp, các quy định liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ ANQG thể hiện ở nhiều nội dung của Hiến pháp. Tuy nhiên, tôi xin trao đổi về một số vấn đề quan trọng đang đặt ra đối với công tác bảo vệ ANQG.

Về Chương I – Chế độ chính trị: Điều 2 cần thêm cụm từ “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, quy định như vậy có tác dụng đối với công tác bảo vệ ANQG trong bảo vệ an ninh nhà nước, chống lại các hoạt động xâm phạm an ninh nhà nước, chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam, gây chia rẽ nhân dân với Đảng ta. Cụ thể, Điều 2 cần được sửa đổi như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Điều 3 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị theo pháp luật mọi âm mưu và hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”. Sửa đổi như vậy có ý nghĩa quan trọng, có giá trị bao quát nội dung của công tác bảo vệ ANQG gồm phòng chống cả âm mưu và hành động xâm phạm ANQG.

Điều 4 cần sửa đổi, bổ sung câu sau vào phần cuối Điều 4: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Về Chương IV – Bảo vệ Tổ quốc, theo tôi có một số điều cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 72 sửa đổi, bổ sung Điều 47 (đây là điều luật quy định trực tiếp về lực lượng Công an nhân dân), đề nghị bổ sung cụm từ “và các vi phạm pháp luật về ANQG, trật tự an toàn xã hội”, đồng thời thay cụm từ “phong trào nhân dân”, thành “phong trào toàn dân”. Theo đó, Điều 47 sẽ là: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào toàn dân để bảo vệ ANQG, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về ANQG, trật tự an toàn xã hội”.

Điều 73, theo tôi nên gắn kết quốc phòng - an ninh kinh tế, kinh tế với quốc phòng – an ninh, như thế sẽ thể hiện được đầy đủ quan điểm mới của Đảng ta về những định hướng lớn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng. Điều 73 sẽ là: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp chặt chẽ quốc phòng – an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng – an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ ANQG”.

Về chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, theo tôi Điều 20 cần bổ sung nguyên tắc sau: “Không ai được lợi dụng quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 26, đề nghị bổ sung thêm quy định “Không ai được lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 49 nên sửa đổi như sau: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ ANQG, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng” (bổ sung cụm từ xây dựng nền an ninh nhân dân)…

Thu Phương (ghi)
.
.
.