CHDCND Lào đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2016:

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao vị thế đất nước Triệu Voi

Thứ Hai, 28/12/2015, 08:09
Lào đã gây được sự chú ý và ngày càng được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một đất nước năng động, đổi mới, hội nhập ngày càng sâu trong khu vực và trên thế giới, và ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế.

Trong chuyến thăm của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam tới CHDCND Lào trong hai ngày 24 và 25-12 vừa qua, hai bên đã thống nhất tăng cường các biện pháp hợp tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động chống phá hai nước của các thế lực thù địch, phản động; phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn các hội nghị quốc tế, các sự kiện quan trọng diễn ra tại hai nước; đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao; phối hợp truy bắt các đối tượng vi phạm pháp luật ở nước này trốn sang nước kia...

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nhạ-sỏn.

Kết quả chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, khi mà năm 2016, CHDCND Lào đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 5-11-2015, khi đưa tin về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định thăm Lào trong năm 2016 vào dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thủ đô Viêng Chăn, các hãng truyền thông phương Tây đều nhấn mạnh rằng ông Obama sẽ “làm nên lịch sử” với tư cách là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Lào trong suốt 6 thập kỷ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1955. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời Phó trợ lý An ninh quốc gia Nhà trắng Ben Rhodes phát biểu tại Washington ngày 4-11-2015 rằng, trước “chuyến thăm lịch sử này”, lần đầu tiên trong một thời gian dài, đã có “sự cảm nhận về tiềm năng” trong quan hệ giữa Mỹ và Lào.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Sổm-kẹo Sỉ-la-vông.

Vẫn theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes cũng nói rằng mối quan hệ đối tác đang nổi lên giữa hai nước (Mỹ và Lào) tập trung vào các lĩnh vực y tế, dinh dưỡng và giáo dục cơ sở và rằng “Mỹ đang ngày càng trở thành một đối tác thực sự đối với chính phủ Lào”.

Lào đã gây được sự chú ý và ngày càng được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một đất nước năng động, đổi mới, hội nhập ngày càng sâu trong khu vực và trên thế giới, và ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế. Nói cách khác, một nước Lào với diện mạo và vị thế mới sau 40 năm phát triển, kể từ thắng lợi lịch sử tháng 12 năm 1975 của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới đối với đất nước nhỏ bé này.

Theo tờ Thời báo Viêng Chăn (Vientiane Times), phát biểu tại cuộc chiêu đãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh CHDCND Lào, được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch tối 1-12-2015, Đại sứ Malaysia tại Lào, Trưởng đoàn ngoại giao tại Thủ đô Viêng Chăn, ông Dato Than Tai Hing, nồng nhiệt chúc mừng các nhà lãnh đạo và nhân dân Lào về sự tiến bộ mà ông coi là “có ý nghĩa” trong công cuộc xây dựng đất nước suốt 4 thập kỷ qua, nhấn mạnh rằng Lào luôn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong những năm gần đây, và đặc biệt là luôn duy trì được hòa bình, ổn định và sự hòa hợp dân tộc.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Sổm-kẹo Sỉ-la-vông ký Kế hoạch triển khai Hiệp định hợp tác năm 2016.

Nhà ngoại giao Malaysia nhấn mạnh rằng “điều này chỉ có thể có được nhờ chính sách sáng suốt, với tầm nhìn xa, trông rộng” của ban lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone đứng đầu, và chính phủ của Thủ tướng Thongsing Thammavong.

Nhờ đó, vẫn theo lời Đại sứ Dato' Than Tai Hing mà tờ Thời báo Viêng Chăn dẫn lại, “mọi công dân của Lào đều được hưởng tự do và các quyền hợp pháp của mình để tham gia một cách tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, được hưởng những lợi ích từ sự tăng trưởng, tạo ra những cơ hội để họ có thể đạt được an ninh và tiến bộ lớn hơn nữa về kinh tế.

Những thành tựu trên có nhiều nguyên nhân song quan trọng vẫn là chính sách của Chính phủ Lào. Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo khoa học kinh tế với chủ đề “Lào sẵn sàng cho hội nhập kinh tế thế giới”, tổ chức tại Viêng Chăn ngày 28-11-2015, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh rằng Chính phủ Lào quyết tâm thúc đẩy và điều chỉnh các chính sách hội nhập nhằm giúp các thành phần trong xã hội, đặc biệt là giới doanh nghiệp Lào, có thể hiểu được thế mạnh, tiềm năng của mình, thấy được cơ hội và thách thức, biến thế mạnh thành sức mạnh của đất nước, đồng thời nhanh chóng điều chỉnh và nỗ lực vươn lên, khắc phục những điểm yếu của mình để có thể hội nhập tốt với khu vực và thế giới.

Một góc thủ đô Viêng Chăn.

Trên thực tế, những năm vừa qua, Lào đã từng bước tự khẳng định mình khi tự tin nhận đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, không chỉ ở tầm khu vực mà ở tầm toàn cầu. SEA Games 25 năm 2009, Hội nghị đối tác Nghị viện các nước Á-Âu lần thứ 7 (ASEP 7) và Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 9 (ASEM-9) năm 2012, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 5 và Hội nghị Thượng đỉnh 4 quốc gia Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) năm 2013, Hội nghị liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 35 năm 2014… cùng nhiều hội nghị quốc tế khác mà Lào tổ chức thành công đã để lại những ấn tượng tốt đẹp... 

Năm 2016, Lào lại tiếp tục bận rộn với rất nhiều sự kiện quốc tế trọng đại. Từ giữa đến cuối năm là hàng loạt hội nghị cấp bộ trưởng và cấp thượng đỉnh giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, kể cả Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà Lào có vinh dự được đứng ra tổ chức với tư cách Chủ tịch trong năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Viêng Chăn sẽ là những diễn đàn quốc tế quan trọng với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ mà người ta tin rằng sẽ diễn ra hết sức sôi động, thậm chí là gay cấn, nhưng chắc chắn sẽ thành công dưới sự điều hành linh hoạt, mềm dẻo, nhưng có nguyên tắc của nước chủ nhà.

Minh Châu
.
.
.