Con đường ăn qua thực phẩm là đường đi đến nghĩa trang nhanh nhất

Thứ Hai, 20/02/2017, 15:47
“Có đại biểu nói rằng, con đường ăn qua thực phẩm của chúng ta là con đường đi đến nghĩa trang nhanh nhất, chết dần chết mòn. Vậy trong quy định này của các đồng chí chả xử lý được ai” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, cho ý kiến vào Điều 317 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

Trước đó, theo báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 (tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng.

Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, điểm a, b và c khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả nên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng. “Việc xử lý hình sự cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” – bà Nga nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng tình, ông bức xúc cho rằng Uỷ ban Tư pháp sửa Điều 317 theo hướng giảm nhẹ hoặc có những quy định khó có thể xử lý được về mặt hình sự. “Như vụ ngộ độc thực phẩm ở Hà Giang vừa rồi, môi trường có sạch không, khâu chế biến, sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ có sạch không? Rõ ràng các khâu liên quan đến nhau, đều có vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau”.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, vừa qua có hàng ngàn vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó số người chết do ngộ độc thực phẩm theo báo cáo là 165 người trong vòng 5 năm không phải nhiều nhưng số người mắc bệnh rất lớn, đặc biệt là bệnh ung thư. “Có đại biểu nói rằng, con đường ăn qua thực phẩm của chúng ta là con đường đi đến nghĩa trang nhanh nhất, chết dần chết mòn. Vậy trong quy định này của các đồng chí chả xử lý được ai” – ông gay gắt.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu quy định phải tổn hại sức khoẻ từ 31-60%, gây tổn hại sức khoẻ từ 2 người trở lên… mới xử lý thì khó, vì rõ ràng có việc anh sử dụng chất cấm, hoá chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật không được phép mà vẫn sử dụng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thảo luận tại phiên họp

“Theo tôi, một là giữ nguyên khoản 1 Điều 317 như BLHS 2015, hoặc nếu có thêm thì khi xử phạt hành chính rồi nếu tiếp tục vi phạm phải xử lý hình sự. Chứ nếu viết như thế này thì không xử được ai đâu” – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng nêu ra một câu chuyện thực tế từ vụ án bán phở có phóoc-môn ở Hà Nội, bắt được rất nhiều, báo chí đưa rất nhiều nhưng khi khởi tố thì không chứng minh được hậu quả do phóoc-môn gây ra.

“Bởi vì ăn phở có chất này phải 5-10 năm sau mới lãnh hậu quả, cho nên vụ án này sau không xử lý được. Quay trở lại quy định phải làm giảm sức khoẻ 31-60% là không làm ra được, không chứng minh được. Bánh phở cho phóoc-môn mà ăn dài dài thì không phải 1 người mà hàng ngàn người bị luôn” – Chánh án nhấn mạnh. Ông đề nghị Uỷ ban Tư pháp cân nhắc, đối với tội sản xuất chất cấm không nhất thiết phải chứng minh hậu quả.

Giải trình về các ý kiến trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu chỉ vì hành vi sử dụng chất cấm mà bị xử lý ngay thì thực tiễn sẽ phải xử lý rất nhiều và rơi vào các hộ nông dân khá nhiều.

“Tôi đồng tình với ý kiến của anh Hiển, phương án 1 đưa ra là xử lý trong trường hợp thu lợi bất chính từ 50-100 triệu đồng, hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe người khác, hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, bị kết án mà còn vi phạm…” – bà Nga nói, lấy ví dụ vụ ngộ độc tại Lai Châu vừa rồi, gây chết người thì phải xử lý hình sự.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đồng chí Phùng Quốc Hiển và các đồng chí trong UBTVQH để làm rõ, cụ thể thêm trong dự thảo luật.

Quỳnh Vinh
.
.
.