Có thể thành lập thành phố Thủ Đức từ 2021

Thứ Hai, 16/11/2020, 10:14
Thường trực HĐND thành phố gồm chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Sáng 16/11, với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành (87,14% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí  Minh.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Không tổ chức HĐND cấp quận, phường

Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm HĐND và UBND. Thường trực HĐND thành phố gồm chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua quyết nghị ở quận và phường tại TP HCM sẽ không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND).

Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận. UBND phường gồm chủ tịch, không quá 2 phó chủ tịch và các công chức khác của UBND phường.

HĐND và UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại nghị quyết này.

Cũng từ 1/7/2021, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước thời điểm này được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới, công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm theo quy định của Chính phủ

Có thể thành lập TP Thủ Đức từ 2021

Một nội dung quan trọng khác trong nghị quyết là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP HCM. Đây là nội dung có nhiều đại biểu băn khoăn khi thảo luận tại Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy là không hợp lý vì trên thực tế chưa có đơn vị hành chính này và việc quy định như vậy không thống nhất với quy định tại Điều 1 của dự thảo nghị quyết.

Báo cáo giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”.

Khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa có thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập nhưng để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hộ xem xét, quyết định.

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập, nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố là cần thiết và phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định quy định như vậy không mâu thuẫn với khoản 4 Điều 1 của dự thảo nghị quyết vì tại thành phố thuộc thành phố vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Song, do ở các phường thuộc thành phố này không tổ chức HĐND nên trong Nghị quyết của Quốc hội phải bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố tương tự như đối với HĐND, UBND TP.HCM.

Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền. Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nội dung này tại phiên họp tháng 12/2020.

Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định sẽ ban hành nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021. Việc này nhằm tạo tính đồng bộ trong việc triển khai mô hình tổ chức chính quyền đô thị và kịp chuẩn bị cho công tác bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 tại địa bàn.


Phương Thuỷ
.
.
.