Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Cơ quan Nhà nước phải cung cấp các thông tin cần thiết cho nhân dân theo luật định

Thứ Sáu, 01/02/2013, 19:40
Điều 8 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”, cần bổ sung: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải cung cấp các thông tin cần thiết và thường xuyên cho nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Tiếp tục lấy góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an. Đồng chí Tổng cục trưởng cho biết:

Hiến pháp năm 1992 đã xác định: Công an nhân dân với tính chất là lực lượng vũ trang thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an vừa có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, vừa phải làm nòng cốt cho phong trào toàn dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm.

Trên cơ sở các quy định chung của Hiến pháp, lực lượng Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã bộc lộ một số tồn tại và hạn chế:

Trước hết là việc cấp ủy Đảng và chính quyền ở một số nơi chưa thật quan tâm chỉ đạo sâu sát và thường xuyên. Nhiều biện pháp chỉ đạo hiện còn mang tính hình thức, không ít nơi mới dừng lại ở khâu tổ chức quán triệt; công tác xây dựng và và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Công tác quản lý kinh tế - xã hội của nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là các ngành kinh tế trọng điểm còn nhiều sơ hở, thiếu sót đã để tham nhũng, tiêu cực xảy ra, gây bức xúc dư luận, làm giảm lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước…   

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 1992 như sau:

Điều 8 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”, cần bổ sung: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải cung cấp các thông tin cần thiết và thường xuyên cho nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Điều 44 đề nghị bổ sung cụm từ “trật tự, an toàn xã hội” để toàn diện hơn, cụ thể: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân”.

Điều 45 quy định: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân”, đề nghị sửa thành: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.

Điều 47 đề nghị bổ sung cụm từ: “Kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật”, sửa lại như sau: “Nhà nước xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật và dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm”. 

Điều 48 quy định: “… Xây dựng công nghiệp quốc phòng” cần bổ sung: “…Xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Ngoài ra, cần bổ sung vào Hiến pháp năm 1992 vấn đề hợp tác quốc tế phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và cơ chế thẩm định hình sự trong xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật kinh tế, xã hội quản lý các sở hữu Nhà nước

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.