Có nên đưa trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma tuý vào trường giáo dưỡng?

Thứ Năm, 18/06/2020, 20:39
Theo Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Chiều 18/6, thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp cưỡng chế đưa vào Trường giáo dưỡng đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma tuý.

Có nên bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước?

Một số đại biểu cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” là cần thiết, hợp lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Một số đại biểu lại cho rằng,  nếu không tính toán kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại của tổ chức, cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), việc ngưng cung cấp điện, nước sẽ dẫn đến hư hỏng tài sản máy móc sản phẩm thiết bị của đối tượng bị xử lý, những người liên quan thậm chí cả những người không liên quan ở mức lớn hơn nhiều so với yêu cầu cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp này chỉ nên áp dụng với các hành vi trong xây dựng, dịch vụ vui chơi giải trí, sản xuất kinh doanh hàng giả hàng cấm và các thủ tục áp dụng biện pháp này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, quy định một số biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp, điện nước, đối với các nhân vi phạm là chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm theo quy định trong Bộ luật Dân sự.

 Theo đại biểu, dịch vụ cung cấp điện nước là sự thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng cung cấp dịch vụ này phải đảm bảo theo hợp đồng giữa các bên tham gia. Do đó, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này, điện nước không phải là tang vật, phương tiện sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ cưỡng chế được. 

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) tán thành việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đại biểu, quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

Theo đại biểu, hiện nay, ở các địa phương, tình trạng xây dựng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, xây dựng trên đất không được cấp giấy phép xây dựng diễn ra khá nhiều, vì vậy cần bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ phần công trình không có hoặc không đúng với giấy phép, phần công trình không phù hợp với quy hoạch.

Cần cân nhắc kỹ việc đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng

Thảo luận về việc đưa người nghiện ma tuý từ 12 đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng, đại biểu Phạm Văn Hòa  (Đồng Tháp) cho rằng, “không nên đưa người nghiện ma túy từ 12 - dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng mà nên để gia đình quản lý, làm cam kết vì đưa đối tượng này vào trường giáo dục chưa chắc đã có tác dụng tích cực. Nếu gặp “đại bàng” trong trường giáo dưỡng “chỉ bài”, sau khi các em ra về gia đình sẽ càng nguy hiểm hơn”.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An)

Thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) và một số đại biểu khác cho rằng cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với nhóm đối tượng này vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt.

Còn theo Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Luật Trẻ em, BLDS 2015,  đây là điều luật áp dụng cho trẻ em, người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần. Khi tình trạng này ngày càng gia tăng,  việc thực hiện cai nghiện cho đối tượng này theo luật Phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập thì việc bổ sung biện pháp mạnh, cai nghiện bắt buộc nhằm giúp trẻ tìm lại chính mình là cần thiết.

Tuy vậy, theo Đại biểu Hiền, trẻ em trong độ tuổi từ 12 - dưới 18 tuổi dù trong hoàn cảnh nào cũng thuộc nhóm người yếu thế.  Đây là nhóm trẻ em đặc biệt, cần sự can thiệp, trợ giúp đặc biệt của Nhà nước, gia đình, xã hội. Ở tuổi này trẻ em luôn trong tư thế phòng vệ cao, thu mình, phản ứng thái quá, hoặc khó thừa nhận mình có hành vi sử dụng ma túy.  

Trong khi đó, trường giáo dưỡng là nơi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với  người có hành vi vi phạm pháp luật, biện pháp giáo dục mang tính trừng phạt, là nơi không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy, không có lực lượng đội ngũ chuyên sâu thực hiện cai nghiện.

“Quy định trên chưa phù hợp với chính sách đặc biệt dành cho trẻ, chỉ chú trọng giải quyết hậu quả,  dễ gây ra việc trẻ tự dán nhãn mình là người làm trái luật, là người đã có tì vết về nhân phẩm, đạo đức. Bởi chính rào cản về nhận thức, quan niệm xã hội hiện nay cứ bước ra từ trại giáo dưỡng nghĩa là quá khứ của trẻ đã có một vệt xám” - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 12 - dưới 18 tuổi cần hết sức cân nhắc.

Bởi lẽ, trường giáo dưỡng là nơi dành cho đối tượng chưa thành niên phạm tội cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. Trẻ em được đưa vào trường có hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ phức tạp, không được giáo dục đầy đủ dẫn đến lệch lạc trong nhận thức. Mục đích đưa trẻ vào trường nhằm trang bị kiến thức văn hóa, giáo dục tư cách, tạo môi trường sinh hoạt, lao động học nghề cho các em.

Trẻ nghiện ma túy phải có biện pháp chữa trị hợp lý. Trong khi đó chức năng chính của trường giáo dưỡng là quản lý học tập, học nghề, không có chức năng chữa bệnh và cai nghiện ma túy.

 Do đó, nếu đưa những người thanh niên nghiện ma túy vào sinh hoạt trong ngôi nhà chung với thanh - thiếu niên khác thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội, sẽ không phù hợp và ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của các em sau này và có thể tạo ra các hành vi vi phạm pháp luật sau này cho trẻ em.


Thu Thuỷ
.
.
.