Cô học trò nghỉ học bị bắt giam và chuyện nhân quyền ở Mỹ

Chủ Nhật, 03/06/2012, 14:46
Trước sức ép dư luận, ngày 31/5, Thẩm phán Lanny Moriarty đã ký phán quyết bãi bỏ tội danh cho Diane Tran nhưng nếu suy xét kỹ sẽ thấy, đây là điển hình về vi phạm nhân quyền.

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng toàn cầu ngỡ ngàng trước việc em Diane Tran, 17 tuổi, học sinh lớp 11, trường cấp ba Willis, gần Houston, bị Thẩm phán Lanny Moriarty phạt giam 24 giờ và yêu cầu cô nộp phạt 100USD. Nguyên nhân cô nữ sinh này bị bắt giam là nghỉ học quá số ngày quy định (Diane Tran đã nghỉ học 18 ngày, trong khi luật pháp bang quy định học sinh chỉ được phép vắng mặt 10 buổi trong 6 tháng). Trước sức ép dư luận, ngày 31/5, Thẩm phán Lanny Moriarty đã ký phán quyết bãi bỏ tội danh cho Tran nhưng mọi sự “đính chính” lúc này không còn ý nghĩa.

Việc một học sinh phổ thông vì nghỉ học quá số ngày bị đưa ra toà án và bị bắt giam, hẳn ngoài nước Mỹ, khó có một ngoại lệ khác (tòa triệu tập và bắt giam, chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự). Đáng chú ý, nguyên nhân của việc nghỉ học là do nữ sinh này phải làm thêm một lúc hai công việc để có tiền nuôi các anh, chị em ăn học. Nữ sinh Diane Tran nhận được sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng mạng cả về tinh thần lẫn số tiền ủng hộ. Nhưng nếu suy xét kỹ sẽ thấy, đây là điển hình về vi phạm nhân quyền. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định, trẻ em là người dưới 18 tuổi, có quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Khoản 2, Điều 37 Công ước quy định: “Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất“.

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em có 193 quốc gia phê chuẩn thực hiện, chỉ còn lại 2 quốc gia không tham gia là Mỹ và Somalia. Là cường quốc kinh tế nhưng lại đứng ngoài Công ước quan trọng nhất về quyền trẻ em, Tổng thống Barack Obama đã mô tả việc không phê chuẩn Công ước là "xấu hổ" và đã hứa sẽ xem xét này. Nhưng việc không tham gia Công ước, không có nghĩa tuỳ tiện trong đối xử với trẻ em! 

Sự việc xảy ra đêm 23/5, tức chỉ trước ít giờ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011” (ngày 24/5), nhận định tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Điều đó khiến bức tranh tương phản càng lộ sắc nghịch về nhân quyền.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ tự cho quyền phán xét nhân quyền toàn cầu, nhưng trừ chính Mỹ. Và như thường lệ, sự thiếu khách quan trong đánh giá nhân quyền bị phản ứng, trong đó nhiều nước phản ứng gay gắt. Khái niệm nhân quyền có những điểm chung, nhưng cũng có cách nhìn nhận khác nhau, phù hợp đặc điểm lịch sử, kinh tế, chính trị mỗi nước. Nhưng một nguyên tắc rõ ràng: luật pháp nước nào cũng nhằm bảo vệ chính thể và nhân dân nước đó. Mọi hành vi xâm hại nhà nước, nhân dân là phạm pháp thì bất luận ai (nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc…) đều bị xử lý theo pháp luật nước đó. Trong các dẫn chứng của Bộ Ngoại giao Mỹ, những cá nhân có hành vi xâm hại nhà nước, nhân dân bị bắt giam, xử lý, tại sao lại dựng họ như lá chắn cho cái gọi là vi phạm nhân quyền? Ngay như ở Mỹ, việc họ bắt giữ những người biểu tình (gần 1000 người đã bị bắt giữ trong 2 tuần đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình “chiếm phố Wall”, năm 2011) đã cho thấy cái gọi là tự do và dân chủ của Mỹ.     

Từ những sự việc trên, rõ ràng cần phải nhìn nhận vấn đề nhân quyền một cách khách quan và đầy đủ. Để có được điều đó, phải coi nhân quyền là mục đích tốt đẹp cần hướng tới của bất cứ quốc gia nào. Nó hoàn toàn khác với việc sử dụng nhân quyền như một phương thức trái thiện chí!

Trường Đăng
.
.
.