Khai mạc kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV:

Cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, thực chất, siết chặt kỷ cương

Thứ Ba, 24/10/2017, 08:58
Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV đã khai mạc sáng 23-10 tại Hà Nội, dự kiến làm việc hơn 1 tháng. Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018...

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong thời gian qua, việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 đã được diễn ra tích cực, các dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng chương trình. Cử tri, nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp, với niềm tin tưởng sâu sắc và mong muốn Quốc hội sẽ làm tròn trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước.

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kê hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hằng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch. Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Chính phủ nhận định, qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Đã tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đã thông qua 12 luật, ban hành 112 nghị định, trong đó chú trọng rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước, tổ chức tiếp nhận thông tin, lắng nghe và giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá 1 lần/năm. Công khai chỉ số cải cách hành chính của các Bộ ngành, địa phương.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, nói không đi đôi với làm.

Giảm 3% biên chế công chức

Theo báo cáo Chính phủ, thời gian qua đã tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cơ bản hoàn thành việc ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân.

“Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấm uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa; cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp lễ, Tết; cấm sử dụng xe công đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ôtô doanh nghiệp và nhận ôtô do doanh nghiệp biếu tặng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền

Năm 2017, Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Theo dõi sát, xử lý kịp thời, phù hợp các tình huống phát sinh, nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, tăng cường xây dựng đường tuần tra biên giới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước.

Chủ động ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, không để bị động, bất ngờ, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây rối, tụ tập đông người. Làm tốt vai trò nước chủ nhà, đã tổ chức nhiều hoạt động và đang tích cực chuẩn bị để bảo đảm thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các diễn biến, tình huống nhạy cảm phát sinh trong quan hệ quốc tế. Xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển...

Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, bộ máy cồng kềnh

Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ, đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Trong khi đó, tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp phù hợp trong thời gian tới.

Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm cổ phần hóa

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng.

Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức. Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công.

Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, giám sát và chỉ đạo thực hiện.

Hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật, tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển. Hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư xây dựng; có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN theo đề án, tiến độ, lộ trình đề ra; thoái hết vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tạo chuyển biến rõ nét về năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty; đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường dịch vụ công, tạo môi trường bình đẳng giữa đơn vị công lập và ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Công khai, minh bạch, phòng chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất, thương hiệu; xử lý nghiêm các sai phạm.

Cổ phần hóa: Vai trò địa phương mờ nhạt

“Nhiều  ý kiến cho rằng, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn trong những ngành Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt yêu cầu đề ra; một số vụ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đặt ra vấn đề tiêu chí xác định lựa chọn cổ đông chiến lược và định giá giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất giữa những giá trị theo yếu tố định lượng về kinh tế với yếu tố định tính về giá trị văn hóa, lịch sử... gây dư luận trái chiều, bức xúc cho các nghệ sỹ.

Có ý kiến đề nghị phân tích các hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là nhận định trong báo cáo về việc thiếu cơ quan chịu trách nhiệm tại các cấp về tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế để đề xuất giải pháp cụ thể. Đặc biệt, việc xác định trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương với địa phương không rõ ràng khi có sự việc xảy ra chỉ có cơ quan Trung ương vào cuộc mà vai trò của chính quyền địa phương rất mờ nhạt dẫn đến hình thành điểm nóng không đáng có”.

(Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế)

Cử tri bức xúc tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn

“Cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương...

Cử tri và nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT...”.

(Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp)

Chưa quy định đặt cược thể thao

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thể dục, Thể thao, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tế, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật. Vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong dự thảo.

Đăng Thủy
.
.
.