Thiêng liêng những đền thờ Bác ở miền Tây Nam bộ

Thứ Bảy, 31/08/2019, 14:17

Ngày 2-9-1969, ngay sau khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn, nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ đã lập các đền thờ để ghi nhớ công lao của Bác...  


Lập Đền thờ Bác ngay trong lòng địch

Chiều 2-9-1969, nhận được tin Bác mất, người dân xã Long Đức (TP Trà Vinh, Trà Vinh) khóc hết nước mắt. Để tưởng nhớ đến công ơn của Bác, chi bộ địa phương và người dân quyết định xây Đền thờ Bác để cho người dân, chiến sỹ có chỗ thắp nhang, tưởng nhớ Bác. Ngày 10-3-1970, Đền thờ Bác được khởi công tại ấp Vĩnh Hội (xã Long Đức). Khi mới xây dựng, đền thờ có kết cầu đơn sơ với vật liệu tre, lá trên diện tích khoảng 16m2. Đền thờ được xây dựng ngay giữa lòng địch, chỉ cách đồn giặc về phía Bắc 300m, phía Nam cách đồn Ông Xe không đầy 100m, cách Dinh Tỉnh trưởng khoảng 5km. Đền thờ nằm cách sông Tiền 600m, cứ một giờ là có tàu chiến ngụy tuần tra kiểm soát. 

Vì vậy, công trình hoàn thành chịu sự chống phá ác liệt của giặc. Ngày 26-1-1971, đền thờ Bác được khánh thành. Từ đó cho đến tháng 3-1971, địch nhiều lần càn quét, phóng hỏa, cho phi cơ, tàu chiến, pháo binh, chia làm nhiều mũi tấn công nhiều đợt vào khu vực đền thờ và đốt ngôi đền. Ngay sau khi ngôi đền bị đốt, quân dân xã Long Đức vừa chiến đấu, vừa xây dựng lại. Mùa xuân năm 1972, ngôi đền xây dựng lần thứ hai đã hoàn thành. 

Nhà sàn Bác Hồ ở Trà Vinh.

Lãnh đạo địa phương phân công một Tổ trinh sát bảo vệ đền. Trong chiếc tranh ác liệt, đến ngày giỗ Bác, quân và dân xã Long Đức ôn lại thành tích của Người và hứa quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chiều ngày 29-4-1975, địch cho máy bay bắn phá làm cháy một góc ngôi đền. Quân ta vừa bảo vệ đền vừa chống trả quyết liệt. Kết quả gần 500 tên địch và 2 máy bay bị loại khỏi vòng chiến đấu trước mũi súng và vũ khí tự tạo của quân dân xã Long Đức. 

Trong gần 5 năm xây dựng và bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân Long Đức đã bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại ra khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch… 

Hơn 20 CBCS và quần chúng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ ngôi Đền, như chính niềm tin chiến thắng. Trong đó, có nhiều gương hy sinh anh dũng như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị… Đội nữ du kích Long Đức, dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Thị Nhờ đã sát cánh cùng người dân, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công trong quá trình bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 5-9-1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Long Đức được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia….

Dân trong ấp đồng lòng

Khi đến Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) hỏi đường về ấp Đền Thờ (xã An Thạnh Đông), từ trẻ con đến người già, ai ai cũng rành rọt hướng dẫn tận tình. Theo lịch sử Đảng bộ địa phương, năm 1969, CBCS và người dân đất cù lao đau buồn nhận được tin Bác Hồ qua đời. 

Huyện đã tổ chức lễ truy điệu kêu gọi toàn thể đồng bào, CBCS nén đau thương, biến thành sức mạnh đoàn kết bằng những hành động cách mạng cụ thể để thực hiện di nguyện của Người là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sau lời tuyên thệ và quyết tâm đó, đã có hàng trăm ý kiến của chiến sĩ và nhân dân yêu cầu được dựng một đền thờ trên vùng đất cù lao để ngày đêm tưởng nhớ Bác. 

Lãnh đạo xã lúc bấy giờ tham khảo ý kiến của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc về việc chọn địa điểm và mô hình xây dựng. Đại đa số đại biểu chọn xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, (nay là ấp Đền Thờ) vì đây là trung tâm của xã, có địa hình phức tạp, giặc khó đánh phá… 

Ban xây dựng Đền thờ Bác được thành lập. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3-2-1970, 40 năm ngày thành lập Đảng, công trình chính thức được thi công. Sau gần 3 tháng, công trình hoàn thành, ngày 19-5-1970, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của Bác, cán bộ cùng hàng ngàn người dân nô nức tập trung dự lễ, bất chấp nguy hiểm do bom đạn, pháo của địch. 

Giặc kéo đến và hết sức ngạc nhiên khi thấy ở đây có Đền thờ Bác Hồ nên chúng quyết phá bỏ. Khi giặc hỏi: “Ai đứng ra xây cất?”, bà con đồng thanh trả lời: “Dân trong ấp đồng lòng”. Nghe bà con trả lời cứng cỏi, bọn giặc đã đánh đập nhưng không ai nao núng tinh thần. Đàn áp, hù doạ không được, chúng xoay qua đòi đốt đền thờ, bà con cương quyết ngăn lại, với lý lẽ: “Đền ở đây sát bên nhà chúng tôi, các ông đốt rồi cháy lan đến nhà cửa rồi sao? Với lại từ xưa đến nay không có ông quan nào lại đốt đền, miếu, nơi thờ thần thánh…”. Cuối cùng, giặc đuối lý phải rút lui...

Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đền thờ Bác

Hay tin tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) xây Nhà tưởng niệm Bác Hồ, đầu năm 1971, địch dã tâm đưa quân lính đến đốt. Tháng 4-1971, Huyện ủy Vĩnh Lợi giao cho Xã ủy Châu Thới chỉ đạo cho lực lượng du kích phối hợp với quân dân địa phương đánh Đồn địch ở Tân Tạo (xã Châu Hưng), phá ấp chiến lược, lấy sắt và dây chì gai đem về xây dựng Đền thờ Bác trên nền Nhà tưởng niệm cũ. Khi sườn nhà được làm xong thì địch hay tin cho lính đến phá Đền thờ. Chúng bắt chị em phụ nữ ấp Bà Chăng chở vật liệu về Vĩnh Hưng. Nhân lúc địch sơ hở, chị em phụ nữ chở vật liệu quay lại cất giấu, chờ thời cơ xây dựng đền thờ Bác Hồ. 

Ngày 15-4-1972, Xã ủy Châu Thới họp Ban Chấp hành mở rộng, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại khuôn viên đất Chùa ông Hai Kiệm (ấp Bà Chăng A, là vị trí đền thờ hiện nay). Cũng trong dịp này, xã thành lập Đội bảo vệ trong và sau khi xây dựng Đền thờ Bác. Sau 24 ngày đêm, vất vả bí mật, có lúc phải ngừng thi công vì địch càng quét, bắn phá, ngôi Đền thờ Bác đã được xây dựng hoàn tất bằng các vật liệu kiên cố. 

Huyện ủy chỉ đạo cho các lực lượng du kích, lực lượng địa phương Đội bảo vệ Đền thờ bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ an toàn Đền thờ Bác Hồ. Địch thường xuyên huy động các phương tiện đánh phá như: Pháo 105 ly từ Vĩnh Hưng bắn vào, máy bay địch từ sân bay Sóc Trăng đến bắn phá. 

Đặc biệt tháng 3-1973, địch dùng 4 máy bay trực thăng đến bắn phá Đền thờ Bác, 4 chiến sĩ bảo vệ Đền thờ rất kiên cường, dũng cảm dùng súng M16 dụ máy bay địch ra khỏi khu vực Đền thờ để bắn, không để máy bay địch bắn phá Đền thờ... Năm 1998, đền được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần đầu tư cho hoạt động trùng tu ngôi đền thờ và tôn tạo, xây dựng nhà trưng bày, nhà đón tiếp khách, hoa viên cây cảnh…

         

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Ngày 7-1-2000, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Theo tài liệu Di tích Đền thờ Bác Hồ, tháng 9-1969, nhận được tin Bác Hồ qua đời, đồng bào Nam Bộ - Cần Thơ hết sức đau đớn, nhất là khi chưa kịp rước Bác về thăm. Đảng bộ xã Lương Tâm đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại văn phòng Đảng ủy xã và may băng tang để tổ chức lễ truy điệu. 

Ngay sau ngày Quốc tang, các đồng chí lãnh đạo và một số đồng chí lão thành cách mạng, các vị bô lão trong xã đã bàn bạc đi đến quyết định, xây dựng đền thờ Bác tại ấp 3, ngã tư lộ xe. Đây là nơi thuận lợi nhất, để mọi người dân trong xã và các khu vực dễ dàng đến viếng Bác, bằng cả đường thủy đường bộ. Tại Đền thờ Bác, hàng năm được chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức các ngày lễ kỷ niệm như: Ngày sinh nhật Bác, lễ giỗ và Tết Nguyên đán... 

Lực lượng Công an xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) tuần tra đảm bảo ANTT khu Đền thờ Bác Hồ và trên địa bàn.

Có một câu chuyện được người dân xã Lương Tâm truyền tai nhau, em bé Hậu Giang, khi bị địch bắt phải bước qua ảnh Bác để được sống nhưng em đã kính cẩn nâng cao ảnh Bác lên đầu, chứ không chịu bước qua. Có lẽ vì vậy, trong những năm chiến tranh ác liệt, bom cày, đạn xới nhưng Đền thờ Bác vẫn sừng sững đứng đó như luôn nhắc nhở Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang bám đất, bám làng, đánh  đuổi kẻ thù... 

Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhiều công trình Đền thờ, Phủ thờ, Nhà sàn Bác Hồ được tiếp tục xây mới và mở rộng. Những công trình thể hiện tấm lòng kính yêu Bác, vừa tạo nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vừa hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giống như thông lệ, vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật, lễ giỗ Bác Hồ hầu hết các địa phương đều long trọng, trang nghiêm tổ chức họp mặt cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp trong xã hội để ôn lại công lao của Bác và báo công dâng Người.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, theo số liệu thống kê, Cà Mau hiện có 18 ngôi đền, phủ thờ Bác Hồ. Trong đó, có 13 ngôi đền được xây dựng trong kháng chiến, sau khi Bác vừa mất đến cuối năm 1974; có 5 Đền thờ, Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng đến nay. Ngôi đền Bác Hồ tại Cà Mau lần đầu tiên được xây dựng ở hậu Nà Chim, do một bộ phận Tỉnh đội và Tổ Đảng cùng bà con địa phương hợp sức thi công giữa tháng 9-1969 (sau khi Bác mất). Từ đó, hàng loạt Đền thờ Bác Hồ được dựng lên ở rạch Ngã Quát, ấp Hàm Rồng; ngôi đền Bác Hồ ở Tắc Năm Căn (rạch Lô Ráng - Tắc Ông Kiểng), xã Năm Căn; ngôi đền Bác Hồ ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Viên An; ngôi đền Bác Hồ ở ấp Rau Dừa (Đầu Sấu), xã Hưng Mỹ…  “Những Đền thờ Bác được xây dựng trong thời kháng chiến là cả một quá trình chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Vì giặc rất sợ những khu vực có Đền thờ, Phủ thờ Bác Hồ nên ra sức đánh phá dữ dội, nhưng quân dân Cà Mau không nản lòng, chúng càng đánh phá đền, ta xây dựng lại đền càng to đẹp hơn” – ông Hùng chia sẻ.



Trần Lĩnh - CTV
.
.
.