Chuyện không chỉ là củ khoai tây

Chủ Nhật, 23/06/2013, 12:51
Lâu nay, các món ăn từ khoai tây xuất hiện thường xuyên trên bàn nhậu bất kể thời điểm. Người tiêu dùng Việt chấp nhận ăn, chấp nhận chi tiền như một thói quen. Và cũng chả ai băn khoăn xem củ khoai tây này có xuất xứ từ trời Tây hay được trồng nội địa.

Tuy nhiên việc cơ quan chức năng tại Đà Lạt tiêu hủy hơn 26 tấn khoai tây hồng có xuất xứ Trung Quốc bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (Chlorpyrifos) vượt ngưỡng gấp 16 lần cho phép của Bộ Y tế đã khiến không ít bà nội trợ lo lắng.

Ngoài nỗi lo về hoạt chất Chlorpyrifos - hóa chất dùng để diệt mối trong đất thì nhiều người không khỏi giật mình vì thông tin củ khoai tây Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Tại Hà Nội, hằng đêm, lượng khoai tây Trung Quốc chuyển về các chợ đầu mối như Long Biên, Bắc Qua rất nhiều, nhất là trong thời điểm hiện tại, chưa đến vụ khoai tây Việt Nam.

Một nông dân nhiều kinh nghiệm khẳng định rằng, khoai tây trồng tại Việt Nam chỉ có một vụ từ gần Tết Nguyên đán đến hết tháng Ba âm lịch. Khoai tây trên thị trường những tháng còn lại không thể là khoai Việt Nam dù nhiều tiểu thương khoác cho nó cái tên mĩ miều là “khoai trái vụ”.

Nông dân này cũng cho hay, khoai Trung Quốc rất rẻ và để được lâu, còn khoai ta thì nhanh hỏng. Do tâm lý “ngại hàng Trung Quốc” nên khoai tây Trung Quốc về Việt Nam thường được “hóa trang” thành khoai tây nội, chủ yếu là gắn mác “khoai Đà Lạt” bằng cách dùng đất đỏ bao thành lớp áo bên ngoài củ khoai. Và từ khoai Trung Quốc với giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg biến thành “khoai tây Đà Lạt” cung cấp cho khắp cả nước mà chủ yếu là thị trường TP Hồ Chí Minh với giá khoảng 15.000 đồng/kg.

Như vậy là có thể thấy, món khoai tây chiên chúng ta đang ăn mỗi ngày, trong mùa hè này, có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Có thể chúng đáp ngay vào các nhà hàng hoặc chịu thêm “tiền vé” để vào Đà Lạt để khoác thêm lớp “áo” màu hồng. Đứng trước nguy cơ nhập nhoạng này có vẻ như các cơ quan chức năng khá lúng túng và chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trả lời báo giới rằng, rất khó xử lý các tiểu thương “gắn mác nội” cho khoai tây Trung Quốc vì đó là “lời nói gió bay” chả có chứng cứ gì. Chứng cứ chỉ rõ ràng khi khoai tây Trung Quốc được đưa vào siêu thị và ghi xuất xứ Đà Lạt hay “một địa danh nào đó”.

Cũng như thường lệ, vị đại diện này cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu khoai tây trên thị trường để giám sát, xử lý kịp thời. Còn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì khẳng định Cục sẽ tăng tần suất kiểm tra và nâng mức kiểm tra chặt chẽ hơn đối với mặt hàng khoai tây ở cửa khẩu.

Theo ông Hồng thì đây là biện pháp “bắt chặt” từ đầu mối vì phải qua cửa khẩu, khoai tây Trung Quốc mới tỏa đi các tỉnh, thành. “Bắt chặt” từ đầu mối có vẻ là một phương án đúng đắn trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngay tại đầu mối là các cửa khẩu cũng đã có sự “phân biệt đối xử” với củ khoai tây nhập.

Theo bà Trạm trưởng trạm kiểm dịch Tân Thanh - Lạng Sơn thì trong 52 tấn khoai tây tại vụ việc kể trên thì có 26 tấn khoai tây nhập qua cửa khẩu Tân Thanh và “đều được lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa phát hiện có hoạt chất Chlorpyrifos”. 26 tấn khoai tây còn lại (nhiễm chất Chlorpyrifos) không nhập qua cửa khẩu Tân Thanh mà có lẽ qua cửa khẩu Lào Cai. (?)

Diệp Linh
.
.
.