Chuyện chưa kể về người đầu tiên bay vào vũ trụ và chuyến thăm Việt Nam

Thứ Năm, 14/04/2016, 10:32
Cách đây 55 năm, ngày 12 tháng 4 năm 1961, tên tuổi của công dân Liên Xô Yuri Gagarin đã vang lên hào hùng, đồng nghĩa với sự đột phá của nhân loại, bắt đầu công cuộc chinh phục khoảng không vũ trụ bao la.


Đó là thời điểm 09 giờ 07 phút (giờ Moskva) ngày 12 tháng 4 năm 1961 , từ sân bay Bai -Ko- Nua ở  Kazakhstan, Liên Xô đã phóng thành công con tàu "Phương Đông 1" vào vũ trụ do  nhà du hành vũ trụ Yuri  Gagarin điều khiển.

Yuri Gagarin ( bên trái) và Ghecman Titov trong học viện Không quân liên Xô mang tên Zhukov - năm 1968.

Sau 108 phút, tức là lúc 10 giờ 25 phút 34 giây,  tàu "Phương đông  I" đã thực hiện được 1 vòng bay quanh trái đất, sớm hơn 1 phút so với kế hoạch. Và 20 phút sau, vào hồi 10 giờ 55 phút cùng ngày, Yuri Ga-ga-rin đã hạ cánh an toàn xuống khu vực gần làng Smelovska, tỉnh Saratov  phía đông nam phần lãnh thổ châu Âu của Nga.

Yuri Gagarin trở thành một người nổi tiếng trên toàn thế giới. Ông đã được trao tặng rất nhiều huân chương và các danh hiệu cao quý, trong đó có Danh hiệu "Anh hùng Liên Xô" - Danh hiệu cao quý nhất của nhà nước Liên Xô. Và bắt đầu từ năm 1962, ngày 12/4 được gọi là ngày Du hành vũ trụ, đồng thời cũng chính thức được công nhận là ngày Hàng không và Vũ trụ Quốc tế .

Từ Việt Nam, ngày 13/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 03- LCT tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam cho thiếu tá Yuri Gagarin đã có thành tích lần đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu vệ tinh "Phương Đông 1".

Chiều ngày 5/2/1962, Bác đã mời Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam đến nhận Huân chương lao động và gửi thư cho Anh hùng vũ trụ Yuri Gagarin. Trong thư, Người đã nhắn gửi ý nghĩa của tấm Huân chương Anh hùng lao động Việt Nam (mà đến thời điểm đó chỉ có 31 người được nhận) và hi vọng: "Học tập tấm gương anh dũng của các đồng chí, từ nay về sau, trong hàng ngũ lao động Việt Nam sẽ nảy nở nhiều anh hùng hơn nữa". Ngày 29/3/1968, khi được tin đồng chí Yuri  Gagarin hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn tới các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Tiếp theo chuyến bay thế kỷ của Gagarin, 4 tháng sau, ngày 07 tháng 8 năm 1961, Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông II do Ghecman Titốp  điều khiển. Tàu vũ trụ Phương Đông II sau 25 giờ 11 phút đã bay được 17 vòng trái đất với hơn 703 nghìn cây số. Với sự kiện này, nhà du hành vũ trụ Titốp đã chứng minh rằng con người có thể sống và làm việc trong tình trạng không trọng lượng trong vũ trụ.

Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsốp - Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và khẳng định: "Đối với thắng lợi của Liên Xô, nhân dân Việt Nam chúng tôi rất sung sướng và rất tự hào, vì đó là thắng lợi chung của phe Xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người".

Nhận lời mời của Trung Ương Đảng, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Bác Hồ, tháng 1 năm 1962, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá Ghecman Titốp đã sang thăm Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân mật tại ngôi nhà sàn. Thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, ngày 21/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho Ghecman Titốp và chính Người đã gắn Huân chương cao quý cho nhà du hành vũ trụ.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ G.Titốp đi thăm thành phố Hải Phòng. Trong buổi mít tinh chào mừng Anh hùng vũ trụ Titốp đến thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đồng chí Titốp sang đây mang theo tình đoàn kết anh em của nhân dân Liên Xô, đồng thời cũng mang theo kinh nghiệm thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước do Đảng và Chính phủ Liên Xô đề ra".

Người kêu gọi nhân dân Hải Phòng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và hứa: Đơn vị nào, xí nghiệp nào, tổ nào hoàn thành vượt mức kế hoạch, Người sẽ đề nghị với đồng chí Titốp tặng cho danh hiệu "Titốp". 

Đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của hơn hai vạn nhân dân và các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc đang làm việc tại Hải Phòng, Anh hùng vũ trụ Titốp đã nói: "Chính vì để duy trì hòa bình, để cho mọi người được hưởng giấc ngủ ngon lành, để mỗi buổi sớm mai ngủ dậy được nhìn thấy bầu trời trong sáng, nên những nhà du hành vũ trụ Liên Xô đã thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng G. Titốp có chuyến thăm Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh). Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng, sáng ngày 22-1-1962, Bác Hồ và Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô đi thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc tàu Hải quân. Và cũng chính vào ngày đó, một hòn đảo nhỏ của vịnh Hạ Long đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là đảo Titốp.

Đồng chí Titốp cảm ơn và nói: "Đó thật là một vinh dự lớn lao cho cháu". Sau này, có dịp thăm lại hòn đảo mang tên mình, G. Titốp đã viết: "Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này!".

Ngày 25/11/1979, nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Terescova với cương vị là Chủ tịch Ủy ban phụ nữ Liên Xô sang thăm Việt Nam, Bà đã vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đứng trước hai cây lan vũ trụ, bà rất xúc động khi được biết ý nghĩa của việc trồng hai cây hoàng lan và tên gọi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho cây nhân sự kiện anh hùng vũ trụ G. Titov được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.

Giờ đây, hai cây lan vũ trụ vẫn còn đó, dáng thẳng đứng vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi. Năm 1980, sau khi thực hiện chuyến bay hữu nghị thành công, hai nhà du hành vũ trụ: Anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorobatco đã vào thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ và báo cáo kết quả tốt đẹp của chuyến bay vào vũ trụ với Bác bên hai cây lan ý nghĩa này. 

Chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của con người luôn là động lực thúc đẩy thế giới trong công tác nghiên cứu và thăm dò, chinh phục vũ trụ. Với sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, các nước trên thế giới đã đào tạo được phi công thực hiện thành công những chuyến bay vào vũ trụ từ sân bay Bai-Ko- Nua ở Kazakhstan.

Ninh Công Khoát
.
.
.