Chúng ta mới sống 56 năm khỏe mạnh, còn 18 năm bệnh tật?

Thứ Hai, 05/06/2017, 19:31
Đây là vấn đề ĐB Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đặt ra khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường dẫn việc tuổi thọ của người Việt Nam đã lên 74 tuổi như một thành tựu tổng hợp, trong đó có đóng góp của công tác an toàn thực phẩm.

Tồn tại nhiều hơn làm được

Giải trình thêm về báo cáo giám sát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Kết quả chung nhất mà chúng ta phải khẳng định, nếu không thì thiếu niềm tin trong xã hội và cũng ảnh hưởng đến một phần sức sản xuất, sức xuất khẩu, đó là trong 5 năm thực hiện Luật an toàn thực phẩm, chúng ta đã sản xuất được một khối lượng nông sản đáp ứng nhu cầu của trên 92 triệu dân. Chúng ta đã xuất khẩu chính ngạch đến 70 triệu tấn nông sản, nếu cộng cả phi chính ngạch thì trên 100 triệu tấn, với giá trị 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD. Thứ hai, một chỉ số trong các báo cáo đã nêu, cùng với các thành quả khác của văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, chúng ta đã đưa tuổi thọ bình quân của nhân dân lên 74 tuổi. Hai chỉ số này chứng minh trong 5 năm vừa qua và giai đoạn trước chúng ta đã có một bước cố gắng tích cực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ “hoàn toàn nhất trí với 9 tồn tại”, và “riêng việc xếp thứ tự đã thấy được tồn tại nhiều hơn kết quả làm được”. Nhận trách nhiệm với những lĩnh vực được giao quản lý, Bộ trưởng cho biết không đợi Nghị quyết ra mà thấy bất cập đã chỉnh sửa ngay. Trong 8 tháng vừa qua bộ đã rà soát, loại ra 600 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết đưa vào, do độc rất cao, trong đó có 2 nhóm rất độc: nhóm 2,4 D của thuốc diệt cỏ và nhóm Paraquat...

Tuy nhiên, tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng số liệu về tuổi thọ trung bình nghe thì rất lạc quan, nhưng tuổi thọ sức khỏe mới là vấn đề. Theo báo cáo hiện này, tuổi thọ sức khỏe của người Việt Nam chỉ là 56 tuổi, còn 18 năm sống trong bệnh tật. Cũng có quan điểm chưa đồng nhất với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ: Việc đưa ra số liệu lạc quan về sản xuất, xuất khẩu nông sản là “đúng nhưng chưa đầy đủ, bởi vì thành tích trong nông nghiệp không phải chỉ đến khi chúng ta thực hiện chính sách vệ sinh an toàn thực phẩm mới có”. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị lưu tâm đến những lô hàng của chúng ta ra nước ngoài bị trả lại vì không đủ an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: An toàn thực phẩm cần một nỗ lực kiên trì, không phải theo đợt

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Rất trùng hợp là khi Quốc hội có báo cáo giám sát thì Ngân hàng Thế giới cũng đã hoàn thiện báo cáo độc lập về vấn đề này. Tuy cách thể hiện khác nhau, nhưng nội dung đánh giá thực trạng, nguy cơ, tồn tại, yếu kém và giải pháp thì cơ bản rất giống nhau, cho thấy ta đã có một cuộc giám sát, đánh giá và có một báo cáo rất tốt.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, WB đánh giá Việt Nam là nước đi đầu khu vực về hệ thống văn bản pháp luật, nhưng năng lực thực hiện lại chưa theo kịp. Về các góp ý của ĐB liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế 3 Bộ quản lý không hiệu quả, Phó Thủ tướng cho biết chúng ta rất khó tổ chức một cơ quan thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ quản lý vấn đề này, vì nông nghiệp làm sao quản được thực phẩm chức năng của Bộ Y tế? Các nước cũng đều phải giao cho từng ngành và có một cơ chế điều phối chung. Chúng ta cũng có cơ chế điều phối đó dưới dạng Ban Chỉ đạo ở cấp Chính phủ, tỉnh, huyện... nhưng hoạt động chủ yếu ở bộ phận thường trực, nên hiệu quả chưa cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội

“Bảo đảm ATTP là vấn đề cần đẩy mạnh trong thời gian tới, phải vận động toàn xã hội và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Ngoài khuyến khích “người tiêu dùng thông thái”, chúng ta phải làm, và các tổ chức quốc tế cũng khuyến khích ta phải làm được, là phải thiết kế được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, để ta biết thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào là không an toàn. Cần đầu tư trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn ở các chợ đầu mối, chợ, siêu thị, vì thực phẩm băng mắt thường không phân biệt được, thì người đân có cơ sở để xác minh thứ mình mua có an toàn không” – Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Dù tuyên truyền, vận động, nhưng trước hết vẫn phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Chính phủ đã cho thí điểm thanh tra liên ngành ở 5 quận và 10 phường ở TP HCM và Hà Nội, và đang có chủ trương mở rộng ra toàn bộ các quận, huyện ở 2 TP lớn này và các tỉnh, TP khác trong cả nước. “Một mặt là pháp luật, một mặt là đạo đức. Một mặt là các cơ quan quản lý Nhà nước, một mặt phải huy động cả xã hội vào cuộc. ATTP là vấn đề rất lớn, đã có nhiều nỗ lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta cần một nỗ lực rất kiên trì, không phải theo đợt” – Phó Thủ tướng kết luận.


Vũ Hân
.
.
.