Chúng ta có quyền “cho” cái này, cái nọ, nhà đầu tư cũng có quyền đầu tư hoặc không

Thứ Sáu, 10/11/2017, 11:17
Chiều 10-11, Quốc hội sẽ chính thức thảo luận tại tổ về Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), một trong những dự án luật được chú ý hàng đầu tại kỳ họp này, vì nhiệm vụ phải xây dựng một thể chế vượt lên những khuôn khổ thông thường của luật. Bên lề Quốc hội sáng 10-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những lý giải thêm về dự án này.

PV: Thưa Bộ trưởng, mong muốn tạo ra động lực mới cho nền kinh tế là một mục tiêu vô cùng chính đáng. Vậy thì chúng ta có đưa ra lộ trình cụ thể nào đó cho 3 đặc khu về việc sẽ đóng góp thế nào vào nền kinh tế?

BT Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta phải thống nhất nhận thức với nhau rằng đây là việc chúng ta chủ động đưa ra, tạo dựng lên để thu hút, đón nhận đầu tư. Chúng ta đưa ra thì chúng ta phải biết người ta muốn gì, nhà đầu tư cần gì? Chúng ta nên đưa cái mà nhà đầu tư người ta cần và thể chế cho phép, chứ không đi theo cách tiếp cận là mình có gì mình đưa ra cái đó. Cho cái người ta không cần thì không có tác dụng. Cần tạo ra một thể chế hết sức tự do, hết sức cạnh tranh ở đặc khu trong khuôn khổ Hiến pháp.

PV: Vâng, thưa Bộ trưởng, vậy mục tiêu cụ thể về kinh tế mà các đặc khu sẽ mang lại trong tương lại là gì?

BT Nguyễn Chí Dũng: Vị trí của các đặc khu là hết sức chiến lược, có lợi thế so sánh và có đủ các yếu tố để nó tự phát triển đã. Chúng ta tạo ra một thể chế mới ở các khu này có thể đóng góp rất lớn cho ngành mà chúng ta đã lựa chọn - phù hợp với thực tế của điạ phương và phù hợp với xu thế quốc tế, những ngành cạnh tranh trong thời đại mới như: du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí, thương mại... có giá trị gia tăng cao.

PV: Nhưng chúng ta có tính toán được con số đóng góp cụ thể nào của đặc khu vào nền kinh tế không?

BT Nguyễn Chí Dũng: Có chứ, ở từng đề án của từng đặc khu có con số tốc độ tăng trưởng bao nhiêu, đóng góp ngân sách bao nhiêu, thu nhập đầu người bao nhiêu... rất cụ thể.

PV: Một số ý kiến hiện nay cho rằng mô hình kinh tế đặc biệt thì nhất trí, nhưng mô hình hành chính đặc biệt cần phải xem lại. Ông nghĩ sao về điều này?

BT Nguyễn Chí Dũng: Đây là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thì thể chế kinh tế là đặc biệt, thể chế hành chính cũng phải đặc biệt. Tôi đã nói rồi, ngoài cái ta có, còn yếu tố nhà đầu tư người ta cần gì. Nếu ta không tiếp cận theo hướng đó thì khó mà thành công được.

PV: Vậy có cơ chế giám sát đặc biệt nào đối với bộ máy hành chính ở đặc khu không, khi luật mở ra cho họ rất nhiều thẩm quyền?

BT Nguyễn Chí Dũng: Hiện dự án luật vấn đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức thiết chế trưởng đặc khu với nhiều thẩm quyền rất lớn. Điều này vẫn không trái Hiến pháp, phù hợp với thực tế, đảm bảo thẩm quyền điều hành hàng ngày cho trưởng đăc khu. Tuy nhiên, khi ta phân cấp, phân quyền cho trưởng đặc khu thì phải có giám sát. Chúng tôi đã tính đến là có giám sát của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh, giám sát theo ngành dọc của các bộ, ngành trung ương. Khi chúng ta giao thẩm quyền nhiều thì phải thiết kế được giám sát đi kèm.

PV: Hiện một số đề án đặc khu cũng đề cập đến vốn đầu tư của ngân sách trung ương, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng với đặc khu chỉ cho cơ chế chứ không cho tiền. Bộ trưởng nghĩ gì về điều này?

BT Nguyễn Chí Dũng: Tôi phải nói lại là thành lập đặc khu là chúng ta không đi đầu tư mà chúng ta tạo ra một không gian đầu tư và một thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu chúng ta không đầu tư ban đầu thì rất khó hình thành một cơ sở hạ tầng toàn diện, nên đề xuất Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách, như vốn mồi, chứ nhà nước không đầu tư. Đấy là cách tiếp cận của dự án luật này. Các địa phương phải tham gia, Trung ương hỗ trợ một phần. Chúng tôi cũng đang tính toán đến khả năng nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

PV: Có ý kiến cho rằng quy định về thiết chế Trưởng đặc khu đến thời điểm này vẫn chưa tạo được sự tin tưởng cần thiết cho các “ứng viên” vì vị trí thì chơi vơi trong hệ thống hành chính, không phải Bí thư huyện uỷ cũng không phải Chủ tịch UBND tỉnh.

BT Nguyễn Chí Dũng: Đây là một cơ chế mới mà thực tế chưa có ở Việt Nam bao giờ nên đó cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi nghĩ rằng nếu có những thẩm quyền riêng gắn với trách nhiệm thì chắc chắn đó vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm của một số người được người dân tín nhiệm và Đảng giao nhiệm  vụ.

PV: Ý kiến của Bộ trưởng về một số đề xuất cơ chế khác với Trưởng đặc khu như quy chế miễn trừ trách nhiệm mà Quảng Ninh đưa ra trong đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn?

BT Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về nội dung này. Cũng có thể miễn trừ nhưng cần xem xét cụ thể, cẩn trọng. Cơ chế này chưa được ban soạn thảo đưa vào dự thảo luật đặc khu.

PV: Có ý kiến chuyên gia nói rằng trong việc xây dựng luật này, có tâm lý là chuyên gia góp ý một thì mình lại lùi một chút. Vậy quá trình xây dựng luật, Bộ đã phải lùi nhiều chưa?

BT Nguyễn Chí Dũng: Nói vậy thì cũng khó. Chúng tôi khẳng định đây là một đạo luật rất khó, một đạo luật mới, một đạo luật liên quan đến rất nhiều ngành nghề, bộ ngành, lĩnh vực, có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của mình. Cũng có người nói đây là một đạo luật có thể có một số vấn đề vượt trên các luật khác, nhưng nguyên tắc bắt buộc là phải dưới Hiến pháp. Đây là đạo luật rất quan trọng, nhưng sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta. Nếu tư duy của chúng ta cởi mở thì tốt chứ nếu ta chỉ nghĩ ta có cái quyền cho nhà đầu tư cái này cái kia thì nhà đầu tư cũng có một quyền rất lớn là quyền không làm.

Chúng ta có rất nhiều quyền, có thể có quyền cho thể chế này, cho dự án kia, yêu cầu này khác, nhưng nhà đầu tư có một quyền thôi mà là quyền rất quan trọng - là quyền không làm. Vậy thì tôi cho rằng cần phải đồng hành, xuất phát từ nhu cầu nhà đầu tư cần cơ chế nào, cần cuộc chơi với thể lệ nào thì phải tiếp cận theo hướng đó và nghiên cứu để xem có thể cho đến mức độ nào và không thể cho ở mức độ nào thì có thể phải bàn, thoả thuận, thoả hiệp để đảm bảo được sự hài hoà lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư. Nếu chúng ta thả ra hết mà nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến các vấn đề cốt lõi như quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ, ảnh hưởng đến người dân, môi trường thì không được. Đó là những vấn đề cốt lõi phải giữ, còn lại những vấn đề khác có thể linh hoạt cởi mở nghiên cứu mô hình các nước, căn cứ vào thực tiễn của nước ta trong suốt 25 qua để làm sao có được thể chế tốt nhất, cạnh trnah nhất để giữ được những vấn đề cốt lõi.

PV: Bộ trưởng nói về cơ chế giám sát theo chiều dọc và chiều ngang với Trưởng đặc khu. Để thay cho cơ quan giám sát theo chiều ngang là HĐND cấp huyện ở đặc khu, ban soạn thảo đề xuất tổ chức Hội đồng tư vấn và giám sát nhưng nhiều ý kiến cho rằng mô hình này chưa thuyết phuc. Bộ trưởng nói sao về việc này?

BT Nguyễn Chí Dũng: Về việc này thì tôi cũng đã nghe một số ý kiến và chúng tôi đang nghiên cứu tiếp. Thực tế đây mới là bước trình ban đầu, như là một kết quả nghiên cứu bước đầu của cơ quan soạn thảo, của Chính phủ để đưa ra Quốc hội xem xét. Lần này mới là lần đầu, còn khả năng chỉnh sửa tiếp.

PV: Bộ trưởng có thể cụ thể hoá hơn việc thoả thiệp, cân nhắc về lợi ích khi làm đặc khu?

BT Nguyễn Chí Dũng: Cần xác định mục tiêu chúng ta cần đạt được trong việc này là gì và xuất phát từ cả 2 phía lợi ích - của nhà nước và nhà đầu tư để đảm bảo sân chơi hài hoà được lợi ích của các bên một cách bình đẳng thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ hưởng ứng. Còn ở đâu đó nếu vẫn có những kiểm soát, ràng buộc một cách phi thị trường, hoặc trái với nguyên lý các khu tự do khác ở các nước thì chắc chắn là không cạnh tranh được rồi. Đây là một cuộc cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nước. Có thể nói, tổng nguồn đầu tư của thế giới là một nguồn hữu hạn, nhất định, nên khi các nước cùng cạnh tranh, cùng tạo ra các mô hình mới, thể chế mới để thu hút thì đây sẽ là cuộc cạnh tranh rất quyết liệt và ở đâu có được môi trường hấp dẫn nhất, thuận lợi nhất thì nơi đó sẽ thắng.

PV: Vậy ngưỡng tới hạn thoả thuận của nhà nước sẽ là gì, thưa ông?

BT Nguyễn Chí Dũng: Ta có thể cho được những vấn đề không trái Hiến pháp, những lĩnh vực không vi phạm các gới hạn của chúng ta: chủ quyền, an ninh quốc phòng, vấn đề liên quan đến người dân, môi trường. Đó là những vấn đề cốt lõi, còn thì tuỳ theo xu thế, thực tế để có thể cho và cho được đến đâu. Tư duy phải mạnh dạn, sáng hơn, tầm nhìn phải dài hạn hơn. Đây là một cuộc chơi mà nếu không như thế thì không chơi được và nhường sân để người khác chơi. Trung Quốc đã làm đặc khu bao nhiêu năm nay mà người ta vẫn còn liên tục cải tạo, bồi đắp.

PV: Với những cơ chế đưa ra trong dự thảo luật, liệu đặc khu kinh tế của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với rất nhiều những đặc khu đã thành công?

BT Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi đã nghiên cứu 13 mô hình của các nước tương đồng, trong khi hiện trên thế thới có hơn 4.300 đặc khu của hơn 140 nước tổ chức, để tổng kết ra được những thành công, thất bại, trong đó có yếu tố thể chế. Vậy nên tất cả những thể chế mình đang làm để trình quốc hội đây đều là những thể chế ngang bằng hoặc hấp dẫn, vượt trội hơn so với các nước.

PV: Xin cảm ơn ông!


Vũ Hân
.
.
.