PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Chưa công bố dịch sởi vì vẫn trong tầm kiểm soát

Chủ Nhật, 13/04/2014, 10:52
Các trường hợp mắc sởi rải rác ở nhiều tỉnh, song tại một số tỉnh ghi nhận ổ dịch có quy mô nhỏ và vừa, như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn, nhưng số mắc lại xảy ra trên diện rộng.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, dịch sởi năm nay có những diễn biến bất thường. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS. TS. Trần Đắc Phu: Để xem xét vụ dịch có diễn biến bất thường hay không, cần dựa vào các yếu tố chính. Thứ nhất, xem các tác nhân gây bệnh có biến đổi về chủng  gây bệnh, như: biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào. Theo các chuyên gia virus học cho thấy, các chủng virus sởi ở Việt Nam chưa có sự biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng virus trong khu vực, cũng không có sự gia tăng về độc lực. Thời gian qua, việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch chỉ với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác. Theo nhận định, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4-5 năm, kể từ vụ dịch 2009-2010. Nguyên nhân là do quá trình dồn lại những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng, hoặc có tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và bị mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vaccin sởi cho trẻ em. Qua thống kê báo cáo, chúng tôi thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số người mắc sởi năm 2009-2010.

PV: Đang có nhiều ý kiến băn khoăn trước tình hình dịch sởi đã xảy ra ở 59/63 tỉnh, thành, nhưng Bộ Y tế vẫn chưa “công bố dịch sởi”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS. TS. Trần Đắc Phu: Ngay từ tháng 2/2014, khi phát hiện các trường hợp mắc sởi ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã thông báo và chỉ đạo các địa phương này triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Nhận định tình hình bệnh sởi có khả năng lan rộng ở những trẻ chưa được tiêm phòng sởi, Bộ Y tế cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63/63 tỉnh, thành phố để thông báo tình hình dịch, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm vaccin sởi, với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vét vaccin sởi cho toàn bộ trẻ em từ 9-24 tháng tuổi, riêng TP Hồ Chí Minh tiêm cho trẻ từ 9-36 tháng và thông báo tới toàn bộ các bà mẹ có con từ 1-2 tuổi.

Tuy vậy, việc công bố dịch sởi cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ: công bố bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. Căn cứ vào quyết định trên, nhiều địa phương sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc triển khai chiến dịch tiêm vaccin sởi, các tỉnh đều đánh giá là đã cơ bản khống chế được tình hình bệnh sởi, số trường hợp mắc đã bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tổ chức họp với các chuyên gia và cũng thấy, không có sự biến đổi của virus sởi, vì thế UBND các tỉnh đã không công bố dịch.

Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng, chống. Mà trên thực tế, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố vẫn thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các website, trên đài báo, đồng thời triển khai nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

PV: Như ông cho biết, tiêm vaccin sởi là hiệu quả nhất trong phòng bệnh sởi. Thế nhưng, thực tế năm nay vẫn có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh, tức là dưới tuổi tiêm phòng. Như vậy có cần phải thay đổi lịch tiêm sớm hơn để phòng bệnh sởi không?

PGS. TS. Trần Đắc Phu: Lịch tiêm vaccin theo độ tuổi của mỗi loại vaccin có khác nhau. Ví dụ, đối với bạch hầu, ho gà, uốn ván, phải tiêm cho trẻ vào lúc 2 tháng tuổi và cho trẻ uống vaccin bại liệt cũng vào thời điểm này, còn vaccin sởi phải tiêm vào lúc trẻ 9 tháng tuổi, vì lúc đó miễn dịch của mẹ truyền cho con sẽ hết và tiêm vaccin vào lúc này có giá trị đạt hiệu quả cao. Tiêm vaccin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vaccin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Bộ Y tế đã phân tích các trường hợp mắc sởi tại nước ta thời gian vừa qua và nhận thấy, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng. Số này chiếm tới 87,6%, chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vaccin đủ mũi bị mắc bệnh (chiếm 4,2%), đồng thời tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc xảy ra rải rác. Điều này cho thấy, việc tiêm vaccin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng. Phân tích theo nhóm tuổi thấy, chủ yếu số trẻ mắc dưới 10 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ thấp do miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 9 tháng sau khi ra đời. Qua trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, việc tiêm vaccin cho trẻ ở độ tuổi thấp hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, hiệu lực bảo vệ thấp và không chắc chắn về tính an toàn của vaccin đối với trẻ. Như vậy, việc tiêm phòng vaccin sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất, để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời. Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vaccin sởi đầu tiên trong khoảng 9 - 12 tháng tuổi.

PV: Hiện đã có thuốc đặc trị bệnh sởi chưa, thưa ông?

PGS. TS. Trần Đắc Phu: Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biến chứng nặng. Hiện nay, phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc. Các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi, những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên, nơi đang điều trị các ca sởi nặng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.

PV: Với dịch sởi như hiện nay, ngành Y tế có thể kiểm soát được không?

PGS. TS. Trần Đắc Phu: Dự kiến bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới, nhất là khi trẻ tiêm phòng đầy đủ. Bộ Y tế đang chỉ đạo việc tiêm vét vaccin phòng sởi trên cả nước và sẽ hoàn thành trong tháng 4/2014. Đã có 41 tỉnh báo cáo ban đầu: tiêm vét vaccin sởi cho 222.000/504.000 trẻ, đạt 44%. Bộ Y tế cũng có công điện đề nghị các tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi và bảo đảm an toàn tiêm chủng, báo cáo các trường hợp tử vong, cũng như yêu cầu triển khai tốt công tác kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, phòng lây nhiễm chéo bệnh sởi. Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc tiêm vét vaccin cũng như phòng, chống dịch sởi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khuyến cáo của Bộ Y tế về bệnh sởi:

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm rất cao. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp và thường gây thành dịch. Trẻ em không được tiêm vaccin sởi có nguy cơ mắc sởi cao nhất và dễ bị biến chứng. Những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.

Biểu hiện của bệnh: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Một số bệnh có triệu chứng giống với sởi nên cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi như: rubella, nhiễm enterovirus, sốt mò, phát ban mùa xuân trẻ em, ban dị ứng, nhiễm virus Epstein-Barr. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sởi cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, nhiều hơn cả số tử vong do bệnh AIDS, sốt rét và lao cộng lại.

Các biện pháp phòng bệnh sởi chủ yếu: tiêm vaccin phòng bệnh sởi; nâng cao sức đề kháng cơ thể; cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân; tăng cường vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.